Home » Bạn có biết? » Ngày quốc tế xóa mù chữ

Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ là một sự kiện đặc biệt mà phần lớn chúng ta đều không biết. Nó có vai trò thật lớn lao. Nếu bạn biết năm 1938, Nha Học Chính Đông Pháp ghi nhận 95% dân số Việt Nam không biết một thứ chữ gì. Thậm chí hiện nay trên thế giới vẫn có đến hơn 775 triệu người mù chữ. Một số quốc gia như Niger có đến 85,6% dân số mù chữ. Và nhưng nơi mù chữ đều đi kèm với nghèo đói, bất công. Nên những gì chúng ta, dân tộc Việt Nam có hiện nay với đại đa số dân chúng biết chữ là một phép màu, công sức to lớn của nhiều thế hệ.

Nói đến ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý khi đến Việt Nam. Đặc biệt là nhà ngôn ngữ học, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes. Ông là người hệ thống hóa hoàn thiện chữ quốc ngữ Việt Nam. Ông là người giúp chúng ta có được chữ viết hệ Latin đầu tiên. Nếu chúng ta vẫn còn sử dụng chữ Hán, chữ Nôm thì công cuộc xóa nạn mù chữ sẽ vất vả rất nhiều lần.

Lịch sử ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ

Tháng Chín năm 1965, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Thế giới về Xóa nạn mù chữ diễn ra tại Tehran, Iran. Một năm sau, vào ngày 26 tháng 10 năm 1966 tại phiên họp thứ 14 của Hội nghị chung của UNESCO, UNESCO tuyên bố ngày mùng Tám tháng Chín là ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ.

Mục đích ngày lễ là để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc xóa mù chữ đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn mọi người cần nỗ lực để gây dựng một cộng đồng nhiều người biết chữ hơn.

Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ đầu tiên

Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ đầu tiên là ngày 8 tháng 9 năm 1967. Tức là một năm sau tuyên bố thành lập ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ của UNESCO.

Tình trạng xóa mù chữ hiện nay

Tính đến nay đã là 57 năm kỷ niệm ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ. Cả thế giới đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xóa mù chữ. Nhưng kết quả khác nhau tùy vùng quốc gia, ngôn ngữ. Một số quốc gia có chữ tượng hình hay hệ thống chữ viết chưa hoàn chỉnh thì việc xóa mù chữ rất khó khăn. Ngay cả quốc gia hùng mạnh văn minh nhất thế giới là Hoa Kỳ vẫn có đến 32 triệu người trưởng thành mù chữ.

Thế giới

Trên thế giới ước tính khoảng 14% dân số mù chữ.

Khoảng 775 triệu người thiếu kỹ năng đọc viết tối thiểu. Một phần năm người lớn vẫn chưa biết chữ. Hai phần ba trong số họ là phụ nữ.

Có 60,7 triệu trẻ em không được đến trường. Thêm nhiều trẻ nữa không được đi học thường xuyên hoặc bỏ học.

Vùng Nam Á là vùng có tỷ lệ mù chữ cao nhất 41,4%. Tiếp theo sau đó là Châu Phi cận Sahara 40.3%.

Quốc gia có tỉ lệ mù chữ cao nhất là Burkina 87,2%. Tiếp đó là Niger 85,6%. Mali 81%.

Việt Nam

Chúng ta có thể tự hào là Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chiến xóa mù chữ. Một điều khá may mắn là ngôn ngữ Việt Nam, chữ viết tiếng Việt cực kỳ dễ học. Một người mù chữ chỉ cần học cách ráp vần, bảng chữ cái trong vòng 2 tuần là có thể bắt đầu đọc được.

Việt Nam đã rất xem trọng việc xóa mù chữ cho dân chúng, dù là chế độ Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 8 tháng 9 năm 1945, trước ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ 22 năm, Chính phủ đã ban hành ba sắc lệnh chống nạn thất học. Chỉ một năm sau, phong trào Bình Dân Học Vụ đã mở 74.957 lớp học xóa mù chữ. 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ trong thời gian ngắn.

Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 là 99%, biết chữ mức độ 2 là 97%.

Một số địa phương có tỷ lệ mù chữ cao là:

  • Ninh Thuận – 10,52%
  • An Giang – 7,3%
  • Lai Châu – 6,11%
  • HCM – 6,45%
  • Hà Giang – 4,58%
  • Gia Lai – 4,49%
  • Bắc Cạn – 4.45%
  • Bình Phước – 3,66%

48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Các tỉnh vận động người mù chữ tham gia các lớp học phổ cập. Như Hà Giang (5.897 học viên), Lai Châu (5.176 học viên), Lào Cai (2.325 học viên), Yên Bái (2.088 học viên), Sơn La (2.303 học viên), Lạng Sơn (1.269 học viên), TP.HCM (1.547 học viên), Điện Biên (1.416 học viên), Thừa Thiên – Huế (1.176 học viên).

Nữ giới có tỉ lệ mù chữ cao hơn nam giới

82,7% nữ giới biết chữ so với 90% nam giới biết chữ. Trong nhóm người mù chữ thì phụ nữ chiếm khoảng 2/3.

Điều này có thể do nữ giới phải kết hôn sớm ở một số nơi. Họ mất đi cơ hội tiếp cận việc học tập. Từ đó các thiệt thòi cho nữ giới sẽ cao hơn. Mù chữ sẽ đem lại rất nhiều bất lợi, bất công, hạn chế sự phát triển của người mù chữ.

Hậu quả của nạn mù chữ

Được biết đọc viết chữ là nhân quyền và phẩm giá.

Nạn dốt, mù chữ đem lại sự nghèo đói và khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của người lao động. Nếu một quốc gia có tỉ lệ mù chữ cao thì có thể dẫn đến nạn nghèo đói của cả một quốc gia.

Mù chữ khiến người lao động mất cơ hội phát triển trong công việc. Hạn chế khả năng tham gia cộng đồng. Hạn chế khả năng đóng góp cải thiện xã hội.

Người biết chữ cải thiện việc giao tiếp. Họ có thể bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và ý tưởng của mình rõ ràng hơn.

Chúng ta nên yêu quý ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ

Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ là ngày chúng ta nên biết ơn đến gia đình, bố mẹ, thầy cô. Những người đã đem đến điều kiện để chúng ta tiếp cận tri thức. Chúng ta cũng biết ơn đến các chính sách xóa mù của nhà nước. Nó giúp rất nhiều người có cơ hội lần nữa để tiếp cận con chữ qua các chương trình phổ cập.

Chúng ta đang ở đây, cùng nhau phát triển một cộng đồng, xã hội hạnh phúc. Cuộc sống này thật sự là chúng ta đang cộng sinh vào nhau. Nhiều người biết chữ hơn, cuộc sống sẽ trọn vẹn, dễ chịu hơn.

Các chủ đề của ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ

Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ thường đi với chủ đề nào đó. Ví dụ một số chủ đề như sau:

  • Chủ đề lễ kỷ niệm 2007 và 2008 là: Văn học và sức khỏe. Các giải thưởng được trao cho các tổ chức đi đầu trong giáo dục sức khỏe.
  • Chủ đề lễ kỷ niệm 2008 cũng nhấn mạnh xóa mù chữ và dịch bệnh. Trọng tâm là bệnh HIV, lao, sốt rét.
  • Chủ đề lễ kỷ niệm 2009-2010 là Biết chữ và Trao Quyền. Nhấn mạnh đến vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
  • Chủ để lễ kỷ niệm 2011, 2012 là Biết chữ và Hòa Bình.
  • Chủ đề lễ kỷ niệm 2022 là Chuyển đổi không gian học tập xóa mù chữ.

Chủ đề của ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ 2024

Chủ đề của ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ năm 2024 là “Thúc đẩy giáo dục đa ngôn ngữ. Biết chữ để hiểu biết nhau và hòa bình”.

Mong muốn của chủ đề này là xóa mù chữ trong bối cảnh đa ngôn ngữ. Từ đó có sự tiếp cận, hiểu biết lẫn nhau dựa trên ngôn ngữ đầu tiên. Việc này hiện nay và trong tương lai gần hơn có thể đạt được sự dễ dàng với AI, người máy trợ dịch.

Sự hiểu biết này sẽ giúp thúc đẩy sự tôn trọng bản sắc cộng đồng của nhau. Trên cơ sở đó phát triển hòa bình lâu dài.

Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Xóa Mù Chữ 2024 sẽ tổ chức vào ngày 9 – 10 tháng 9 năm 2024 tại Yaoundé, Cameroon. Nó gồm Hội nghị toàn cầu, lễ trao giải Văn Học Quốc Tế của UNESCO, …. Đây cũng là cơ hội để làm sáng tỏ chương trình nghị sự xóa mù chữ ở Cameroon và Châu Phi trong bối cảnh năm giáo dục của Liên Minh Châu Phi.

Biết chữ là một chiến thắng cho nhân loại. Nhưng đây là một chiến thắng mong manh. Vì luôn có khả năng nạn mù chữ trở lại. Ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ là để nhắc nhở điều này. Là để tôn vinh tất cả những người cống hiến cho việc phổ cập biết chữ.

Truyền thống của ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ

Truyền thống của ngày Quốc Tế Xóa Mù Chữ là giúp đỡ những người chưa biết chữ có thể đọc viết. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành những người thầy, truyền lại một phần tri thức cho họ. Chúng ta cũng có thể quyên góp sách tạo tủ sách để giúp nhiều người có thể tiếp cận sách. Những tủ sách 0 đồng và không có tiền phạt khi trả trễ hạn.

Bạn cũng có thể góp sách cho các thư viện trường học. Bạn có thể hỏi thầy cô giáo về những chủ đề thư viện muốn tìm và góp sách vào đó.

Các tổ chức chính phủ thì xây dựng các diễn đàn thảo luận, đề ra các chính sách, chiến lược. Họ cũng thể gây quỹ để thực hiện các kế hoạch.

Trong tương lai khái niệm mù chữ có thể thay đổi

Khái niệm mù chữ có thể thay đổi trong tương lai khi kỷ nguyên số đã đến. Hiện nay UNESCO đang xem xét lại định nghĩa người mù chữ. Có thể trong tương lai, một người không khả năng sử dụng máy tính, điện thoại sẽ được xem là người mù chữ. Phải biết sử dụng máy tính, điện thoại, sở hữu điện thoại để được đảm bảo quyền lợi cơ bản của con người.

Tuy nhiên, với bản thân tôi, thì tôi không ủng hộ một thế giới như vậy, những ràng buộc như vậy. Vì con người không phải là thế giới số. Con người là một phần của tự nhiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Comment moderation is enabled. Your comment may take some time to appear.

facebook
twitter