Ngày mùng 5 tháng 8 năm 2024, thị trường chứng khoán toàn thế giới đồng loạt chuyển một màu đỏ. Tất cả đều rơi thẳng. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rơi tự do. Gần như tất cả đồng tiền ảo crypto đều rơi mãnh liệt trừ đồng Pi mới lên. Tất cả đều bàng hoàng. Chuyện gì đã xảy ra? Mọi việc hoảng loạn đều đến từ một hoạt động mang tên Carry trade.
Sự suy sụp kéo dài một tuần qua là lời nhắc nhở mọi người về sự tồn tại của carry trade. Đây là một hoạt động đầu cơ đã có vài chục năm qua. Tất cả các nền kinh tế mới nổi đều chịu sự ảnh hưởng của hoạt động này. Nó đứng sau các bong bóng tài sản, kể cả tiền ảo như Bitcoin.
Carry trade là gì?
Carry trade là một hoạt động kinh doanh bằng cách vay tiền của một quốc gia có lãi suất thấp để mua tài sản ở một quốc gia khác có mức sinh lợi cao. Đến khi đáo hạn thì chuyển đổi tài sản trở lại về đồng tiền được vay để trả nợ.
Cụ thể đồng tiền đang được giới đầu cơ vay hiện nay là đồng Yên Nhật. Đồng Yên Nhật là đồng tiền đặc biệt trên thế giới khi ngân hàng Trung ương Nhật BOJ liên tục duy trì lãi suất thấp trong vài chục năm qua.
Yếu tố ảnh hưởng
Hoạt động đầu cơ này tỏ ra quá dễ dàng kiếm sinh lợi. Ngày càng có nhiều người tham gia vào hình thức này.
Chỉ cần vay đồng Yên -> Bán đồng Yên đi để mua tài sản khác có mức sinh lợi cao hơn. Ví dụ như gởi tiết kiệm, mua tiền ảo Bitcoin, mua chứng khoán ở thị trường mới nổi, mua cổ phiếu công nghệ đang lên NVIDIA -> Đến thời điểm đáo hạn, bán tài sản đầu cơ, mua lại đồng Yên và trả nợ.
Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động Carry trade là chênh lệch lãi suất giữa lãi suất vay đồng tiền Yên và lãi suất sinh lợi từ tài sản đầu cơ.
Các yếu tố bất ổn chính trị, kinh tế ở nơi có tài sản đầu cơ cũng rất quan trọng. Nhưng đó là điều phải chấp nhận, vì lợi suất cao luôn đi kèm rủi ro cao.
Rủi ro
Bao nhiêu năm qua, Đồng Yên Nhật liên tục mất giá. Tất nhiên bạn đừng nhìn vào tỷ giá Yên Nhật với VND vì bạn sẽ thấy là Đồng Yên tăng giá so với VND. Sự mất giá của đồng Yên đem lại lợi nhuận cao hơn cho giới đầu cơ carry trade. Vì khi mua lại đồng Yên để trả nợ, họ được mua lại với giá rẻ hơn. Như vậy nó cũng đồng nghĩa có một rủi ro ở đây. Nếu đồng Yên tăng giá họ có thể sụt giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ.
Rủi ro hoạt động này còn đến từ lãi suất vay đồng Yên. Lãi suất vay đồng Yên gần như duy trì gần 0% suất vài chục năm. Nếu lãi suất này tăng lên sẽ xóa tan vị thế carry trade bằng đồng Yên Nhật.
Carry trade với đồng Yên Nhật
Hoạt động carry trade với đồng Yên Nhật đã bắt đầu từ những năm 1990. Đến nay có lẻ cũng đã là 38 năm.
Năm 1990 bong bóng bất động sản ở Nhật bùng nổ. Hoạt động kinh tế rơi vào đình trệ. Để cứu vãn, kích thích nền kinh tế, BOJ quyết định cắt giảm lãi suất về 0%. Giới đầu cơ carry trade với đồng Yên bắt đầu hoạt động. Nó tạo ra bong bóng tài sản khắp nơi trên thế giới.
Quỹ tiền tệ Quốc Tế đã cho rằng, chính carry trade là một phần nguyên nhân quan trọng tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Nhưng mọi việc chưa dừng lại. Năm 2016 BOJ thậm chí cắt giảm lãi suất dưới ngưỡng 0%. Sau cơn đại dịch 2021, hầu hết các nước đều tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Duy chỉ có Nhật với đồng Yên có lãi suất vẫn dưới 0%. Điều này càng củng cố niềm tin của giới carry trade, cũng như đem lại lợi nhuận to lớn cho họ. Hoạt động đầu cơ tài sản càng gia tăng khốc liệt.
Bạn có thể tưởng tượng, vay đồng Yên và gởi tiết kiệm ở các nước đang có lãi suất cao thôi cũng sẽ kiếm được bộn tiền. Quá đơn giản.
Lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động carry trade với đồng Yên
Hoạt động carry trade với đồng Yên đang đem lại lợi nhuận khổng lồ.
Ví dụ, vay nợ bằng đồng Yên và đầu tư vào Mexico đã mang lại lợi tức 40% trong năm 2023. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, đầu tư vào một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mang lại lợi tức 17%.
Đó là một thời kỳ rất dễ dàng kiếm tiền.
Bong bóng tài sản ở các quốc gia bởi carry trade
Hoạt động carry trade bằng đồng Yên Nhật dẫn đến hai điều cơ bản.
Bản chất là BOJ đang in tiền ra và tung ra thị trường qua việc cho nhà đầu tư nước ngoài vay. Khi nhà đầu tư bán số tiền Yên này để đổi lấy đồng tiền quốc gia ở nơi họ muốn mua tài sản thì một mặt nó làm đồng Yên mất giá đúng bản chất của nó. Mặt khác nó sẽ làm tăng giá đồng tiền mà nhà đầu tư mua vào.
Tính từ cuối năm 2022 đến nay thì đã có khoảng 1,1 nghìn tỷ USD được rót vào hình thức giao dịch này. Theo dữ liệu của công ty GlobalData TS Lombard.
Trong năm 2022, và 2023, các đồng tiền như real Brazil và peso Mexio đã tăng giá chóng mặt. Trở thành những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới. Vì sao chúng tăng? Vì carry trade đó các bạn.
Không những đồng tiền đó tăng giá, mà tài sản được dòng tiền đầu cơ này đổ vào cũng tăng giá. Nó sẽ hình thành bong bóng tài sản.
Bong bóng tiền ảo
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao đồng tiền ảo Bitcoin lại có mức giá đến mức khủng khiếp nằm ngoài lý giải chưa? Một đồng Bitcoin có giá trị đến 60 nghìn đô la Mỹ. Nó không phải là một đồng tiền nữa. Nó là một loại tài sản cực kỳ giá trị. Nó là kết quả của các dòng tiền đầu cơ đổ vào. Bạn nên nhớ tới carry trade.
Không những Bitcoin mà nhiều đồng tiền ảo khác cũng vậy. Tuy mức độ nhẹ hơn mà thôi.
Sự rạn nứt của carry trade với đồng Yên bắt đầu từ năm 2024
Năm 2024 là mốc lịch sử đáng ghi nhớ của carry trade bằng đồng Yên. Lần đầu tiên trong lịch sử, BOJ điều chỉnh tăng lãi suất đến 2 lần trong một năm. Và đây có thể chưa phải là kết thúc.
Sau lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ nhất, đồng Yên đã có dấu hiệu hồi phục. Các thị trường có hoạt động carry trade mạnh mẽ có dấu hiệu suy yếu. Áp lực đang tăng dần. Cú đánh bồi tăng lãi suất lần thứ hai vào 31 tháng 7 đã đánh gục hoàn toàn hi vọng của các nhà đầu cơ. Đồng Yên quay đầu tăng giá sau bao nhiêu năm suy giảm. BOJ tăng lãi suất liên tục, hoàn toàn đủ cơ sở để nhà đầu cơ tin rằng việc điều chỉnh tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục.
Một cuộc tháo chạy của các dòng tiền đầu cơ khỏi các tài sản như cổ phiếu, tiền ảo, bất động sản đã xảy ra. Cuộc tháo chạy này là một vòng xoáy. Càng chạy, càng mua lại đồng Yên để trả nợ thì đồng Yên lại càng tăng giá. Các nhà giao dịch lại phải bán tháo tài sản để đáp ứng yêu cầu ký quỹ.
Sau cơn hoảng loạn thị trường đã tạm ổn định lại. BOJ liên tục trấn an mọi người.
Liệu quá trình tháo chạy đã kết thúc?
Sự trấn an thị trường của BOJ là hoàn toàn cần thiết. JPMorgan Chase cũng cho rằng khoảng 3/4 tổng vị thế carry-trade toàn cầu đã được đóng lại. Ngay cả Citigroup cũng trấn an thị trường khi cho rằng các vị thế carry trade còn lại rất thấp và không còn nguy hiểm cho thị trường nữa.
Phó thống đốc BOJ Shinichi Uchida trấn an rằng họ sẽ không tăng lãi suất đồng Yên nữa chừng nào thị trường chưa ổn định.
Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch, chuyên gia đều cùng chung nhận định BOJ đang thắt chặt tiền tệ và chắc chắn carry trade với đồng Yên sẽ đổ vỡ.
Ngân hàng BNY tin rằng quá trình tháo chạy khỏi carry trade vẫn sẽ còn tiếp diễn. Đồng Yên sẽ tiếp tục tăng giá cho đến vùng giá 100 Yên đổi 1 USD.