Home » Văn hoá » Cách trồng tre lấy măng
Cách trồng tre lấy măng
Trồng tre lấy măng loại nào tốt nhất còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn quan tâm đến khẩu vị thì măng tre gai có vị đắng nhẹ có thể coi là ngon nhất, và bán được giá nhất. Nếu bạn quan tâm đến thời gian thu hoạch nhanh và đều đặn thì trồng tre tứ quý lấy măng là tốt nhất. Tre Tứ Quý sau khi trồng khoảng 7 tháng thì có thể bắt đầu thu hoạch măng. Cây lại cho măng đều đặn quanh năm.

Nếu bạn trồng tre lấy măng thì cần cân nhắc loài tre mình sẽ trồng. Mỗi loài tre sẽ có năng suất cho măng khác nhau. Măng của chúng hương vị, và độ ưa chuộng của thị trường cũng có khác nhau.

Thông thường mùa thu hoạch măng tre là từ tháng 5 cho đến tháng 11, cơ bản có thể chia thành 3 đợt như sau:

  • Đợt 1: Từ tháng 5 – tháng 7. Đợt này năng suất cho măng tốt nhất, măng to, chất lượng. Trọng lượng măng thì tùy loài, thường 1,2kg – 2kg.
  • Đợt 2: Từ tháng 8 – tháng 9. Đợt này cây tre cho măng ít hơn, măng cũng nhỏ hơn so với đợt 1.
  • Đợt 3: Từ tháng 10 – tháng 11. Đợt cuối này sẽ có sản lượng ít nhất, cây măng cũng rất nhỏ, yếu dễ sâu bệnh.

Dưới đây xin giới thiệu các bạn 6 loại tre nên trồng để lấy măng là cây tre gai truyền thống ở Việt Nam, Tre Tứ Quý, Tre Điền Trúc, Tre tàu, tre Mạnh Tông, tre Bát Độ

Nội dung:

Thời vụ trồng

Thời vụ trồng tre tốt nhất là khoảng tháng 6 và tháng 7 ở miền Đông Nam Bộ. Sở dĩ chọn thời điểm này là vì đây là thời điểm đầu mùa mưa. Thời tiết mát mẻ, lại thường xuyên có mưa, đất độ ẩm đầy đủ. Cây non trồng sẽ sống sót tốt hơn.

Nếu bạn trồng cây non sớm hơn thì nên chú ý việc tưới nước. Đối với tre vào mùa khô thì thông thường sẽ được tưới 2 ngày một lần.

Chuẩn bị đất trồng trước khi trồng tre lấy măng

Chuẩn bị đất trồng trước khi trồng tre lấy măng quyết định rất lớn với thành công, sự phát triển của cây sau này.

Đất nghèo dinh dưỡng sẽ khiến cây phát triển nhỏ, thân mỏng không chắc khỏe, sản lượng măng thấp.

Đối với đất nghèo dinh dưỡng, ta có thể dưỡng đất. Để đất nghỉ ngơi và trồng các loại cỏ để giữ ẩm cho đất. Sau đó lại thường xuyên phát, cắt cỏ để bón lại cho đất. Thời gian cho đất nghỉ ngơi thường khoảng 3 năm.

Bạn cũng có thể trồng các loại cây họ đậu để cố định đạm, tăng cường dưỡng chất cho đất. Và bón thêm một lớp mùn hữu cơ trước khi trồng.

Để trồng tre đào các rãnh dài 2 m, sâu 60cm theo đường đồng mức, bố trí theo hình nanh sấu so le để ngăn sói mòn đất. Nếu không thể đào rãnh, bạn đào các hố 60 x 60 x 60 cm.

Trước khi trồng, bón lót mỗi hố tối thiểu từ 10 – 15kg phân chuồng hoai, hoặc 5-6kg phân hữu cơ vi sinh. Bón thêm 0,6 kg phân NPK. Như vậy cây sẽ có đủ dưỡng chất để phát triển trong thời gian đầu tiên.

Cách trồng tre lấy măng cơ bản

Cách trồng tre lấy măng nằm ở các bước chuẩn bị đất trồng, cự ly trồng, tưới nước, và chăm sóc ngăn cỏ dại.

Sau khi cây xuất vườn nên trồng ngay trong ngày để đảm bảo cây lớn mạnh khỏe.

Mật độ trồng thường khoảng 330 – 400 cây / 1ha. Cự ly khoảng cách trồng giữa mỗi cây thường là 5 x 5 m, 5 x 6 m. Giống tre Lục Trúc có thể trồng mật độ dày hơn. Cự ly là 5 x 4 m. Số lượng cây 500 cây / 1ha. Mật độ trồng quá dày sẽ khiến cây không có đủ không gian phát triển. Và bị hạn chế sức phát triển.

Phân bón được chuẩn bị cho mỗi hố trồng cây nên được trộn đều. Bạn có thể dùng cuốc để thực hiện việc đó.

Trồng tre lấy măng

Cây non được đặt vào hố nghiêng 60 độ. Dùng đất nhỏ mịn để lấp hố và nén chặt phần gốc của cây.

Tưới nước đầy đủ giúp rễ cây tiếp xúc tốt với đất. Vào mùa khô cần chú trọng việc tưới nước. Nên tưới khoảng 2 ngày/1 lần vào buổi chiều hoặc sáng sớm.

Vào mùa mưa cần chú trọng việc làm sạch cỏ, ngăn cỏ dại phát triển.

Làm sạch vườn tre

Để giữ cây tre phát triển tốt, đặc biệt với trồng tre lấy măng, thì việc làm cỏ, làm sạch vườn rất quan trọng. Nó giúp măng tre có không gian phát triển.

Thời điểm cỏ dại mọc mạnh nhất là vào mùa mưa. Vì vậy việc chăm sóc vườn tre được thực hiện 3 lần vào 3 thời điểm mùa mưa. Đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa.

Để ngăn cỏ dại phát triển quanh gốc tre, bạn có thể phủ rơm rạ cao 20 – 30cm quanh gốc. Cỏ dại nên được làm sạch bằng các phương tiện cơ giới như máy cày, máy kéo để hiệu quả, nhanh và chi phí thấp.

Cần chú ý việc chống cháy cho vườn tre. Và ngăn gia súc vào vườn ăn, làm gãy hỏng măng trong mùa thu hoạch măng.

Do khoảng cách giữa các cây tre khá lớn nên để tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện chất lượng đất, các bạn nên trồng xen canh các loại cây lương thực. Các loài cây họ đậu, cây ưa bóng rất thích hợp để trồng xen với cây tre.

Bón phân

Ngoài việc bón phân trong thời gian đầu của tre non, thì hàng năm cần bón phân để việc trồng tre lấy măng hiệu quả cho măng năng suất cao. Do vậy mỗi năm, nên bón 2 lần. Lần đầu là 1 tháng trước khi măng bắt đầu mọc. Thời điểm thu hoạch măng đầu tiên là vào tháng 5.

Lần thứ hai là sau mùa thu hoạch măng. Đợt thu hoạch cuối cùng là vào tháng 11. Thời điểm này măng thu hoạch được khá nhỏ, lại dễ bị sâu bệnh. Nghĩa là cây không còn đủ dinh dưỡng để măng phát triển khỏe mạnh. Việc bón phân vào thời điểm này sẽ bổ sung dinh dưỡng cho đất. Giúp cây tre phục hồi lại nhanh chóng.

Lượng phân bón là 15 – 20kg phân chuồng hoai mục, hoặc 10 kg phân hữu cơ vi sinh. Cộng với 1kg phân NPK cho mỗi bụi tre.

Bạn bón phân bằng cách đào một rãnh nhỏ xung quanh gốc tre, cách gốc khoảng 0,5 m. Rãi phân và lấp đất kín lại.

Cây tre cũng cho măng trái vụ. Măng trái vụ thường giá tốt hơn. Bón phân vào cuối mùa thu hoạch măng sẽ giúp cây cho măng trái vụ tốt hơn.

Cách trồng tre lấy măng

Sâu bệnh hại

Cây tre là loài ít bị tác động bởi sâu bệnh hại. Vào những thời điểm cây yếu do đất kém dinh dưỡng hay không tốt do lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì dễ bị tấn công bởi sâu bệnh hại.

Một số loại bệnh hại có thể kể đến như bệnh gây hại cho măng như bệnh thối thân, bệnh sọc tím, bệnh khô héo ở măng, sâu vòi voi.

Một số bệnh hại lá như sâu cuốn lá hại lá, ruồi xanh, bệnh vàng sọc, châu chấu ăn hại.

Cách thu hoạch măng

Trồng tre lấy măng thường thu hoạch lấy măng sau 3 năm. Riêng trồng tre tứ quý lấy măng thì chỉ sau 7 tháng đã có thể cho măng rồi.

Cây sẽ bắt đầu cho măng năng suất ổn định theo từng năm. Trong quá trình thu hoạch măng, nếu gặp gốc măng có thân ngầm nằm trên mặt đất thì cần đào bỏ ngay.

Bạn quan sát những vết nứt trên mặt đất để xác định vị trí có măng. Măng tốt nhất là khi vẫn còn nằm trong đất. Chồi măng mới mọc ra từ thân ngầm được gọi là măng củ. Các bạn dùng cái thuổng để đào măng.

Trước mùa thu hoạch măng, nên phủ lớp rơm rạ khoảng 20-30cm quanh gốc tre để ngăn cỏ dại và giúp thu hoạch măng có chất lượng tốt hơn.

Trồng tre lấy măng loại nào tốt nhất

Trồng tre lấy măng loại nào tốt nhất còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn quan tâm đến khẩu vị thì măng tre gai có vị đắng nhẹ có thể coi là ngon nhất, và bán được giá nhất.

Nếu bạn quan tâm đến thời gian thu hoạch nhanh và đều đặn thì trồng tre tứ quý lấy măng là tốt nhất. Tre Tứ Quý sau khi trồng khoảng 7 tháng thì có thể bắt đầu thu hoạch măng. Cây lại cho măng đều đặn quanh năm.

Nếu bạn quan tâm đến thời gian thu hoạch tre lâu dài thì chọn trồng tre Điền Trúc lấy măng. Các loại tre khác thường chỉ cho măng trong 3 năm đầu. Tre Điền Trúc có thể cho măng 15-20 năm. Loại măng của Điền Trúc lại khá ngon và có giá trên thị trường.

Nếu bạn quan tâm đến sản lượng có trồng tre Mạnh Tông lấy măng. Loại cây này cho sản lượng măng rât cao.

Trồng tre gai lấy măng

Trồng tre gai lấy măng cho năng suất không cao. Nhưng trong các loại măng thì măng tre gai chính là ngon nhất. Nó ngon bởi vì vị đắng đặc biệt của nó. Ăn vào đắng, giòn sau đó có vị ngọt hậu. Loại măng này ăn cũng rất tốt cho sức khỏe.

Loại tre gai này mỗi năm cho khoảng 30 măng/1 bụi cây 40 thân đã trưởng thành. Nếu không thu hoạch măng, thì phần lớn chúng sẽ chết vì sâu bệnh, gió, khô hạn. Chỉ 1/3 cây măng mới phát triển thành thân khí sinh.

Tre gai sau khi trồng 1 năm tuổi thì bắt đầu cho măng. Đến năm 4 tuổi thì cây tre gai cho măng ít đi. Đây là thời điểm bạn nên chặt cây tre khai thác thân tre. Thời điểm cho măng mạnh nhất là lúc cây tre 2 tuổi.

Cần lưu ý là cây măng tre thường có xu hướng uốn vào giữa khóm. Sau khi măng nhú lên, 7-15 ngày sau là có thể thu hoạch.

Trồng tre Tứ Quý lấy măng

Trồng tre Tứ Quý lấy măng cho năng suất rất cao. Mỗi tháng, mỗi bụi tre Tứ Quý cho 10 bụt măng. Nhiều nơi ở Việt Nam hiện đang trồng và khai thác loại tre này.

Thường chỉ sau 7 tháng là có thể bắt đầu thu hoạch măng. Ưu điểm của tre Tứ Quý là có thể thu hoạch măng quanh năm.

Trồng tre Điền Trúc lấy măng

Loài tre này có các tên như Lục Trúc, tre Đài Loan, tre ngọt. Cây được nhập khẩu từ Đài Loan và trồng tại một số tỉnh miền Bắc và các tỉnh phía Nam.

Tre Lục Trúc phù hợp khí hậu nhiệt đới ẩm. Măng chất lượng cao, hương vị thơm ngon, giòn. Thịt măng trắng, dày, vỏ mỏng. Măng ít xơ, có thể ăn luôn không cần luộc.

Trồng tre Điền Trúc lấy măng năng suất khá cao. Sau khi được 2 tuổi, cây tre bắt đầu cho măng. Mỗi gốc tre có thể cho 10 – 15 kg măng.

Tre Điền Trúc

Một ưu điểm, thế mạnh của giống tre này là thời gian thu hoạch măng rất dài. Như các loài tre khác thường chỉ cho măng trong 3 năm đầu, bắt đầu suy từ năm thứ tư. Thì tre Điền Trúc cho măng đến 15 -20 năm.

Trồng tre Tàu lấy măng

Cây Tre Tàu, hay còn được gọi là Ma trúc, đã được trồng từ lâu tại miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt là ở Đồng Nai và Bình Phước.

Cây tre Tàu phù hợp với khí hậu Việt Nam. Trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Độ sâu đất tốt nhất cho phát triển của cây là 60 cm trở lên.

Trồng tre Tàu lấy măng cho năng suất trung bình 15 tấn/ha/năm. Măng nặng khoảng 1,2 – 2 kg.

Loại tre này sinh trưởng nhanh, lá cây rộng.

Trồng tre Mạnh Tông lấy măng

Như tre Lục Trúc, tre Mạnh Tông cũng được nhập khẩu từ Đài Loan. Được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Trồng tre Mạnh Tông lấy măng cho năng suất trung bình 10 tấn/ha/năm.

Trồng tre Bát Độ lấy măng

Cây Tre Bát Độ nhập khẩu từ Trung Quốc. Loại tre này cho măng giá trị dinh dưỡng cao, vị ngọt giòn. Măng không cần nấu kỹ như các loại măng khác. Măng to, vỏ mỏng, thịt dày màu trắng ngà.

Trồng tre Bắt Độ lấy măng cho năng suất cực cao. 30 tấn/ha/năm. Đường kính gốc măng đôi khi đạt 30cm. Trọng lượng măng từ 5-8kg. Loại măng này to hơn nhiều so với các loại măng khác.

Sơ chế, bảo quản măng tre

Măng thu về có thể dùng ăn tươi. Cũng có thể đem ra chợ bán nguyên củ măng.

Hoặc bóc vỏ, rửa sạch, thái thành lát dày 2-3cm. Đem ngâm nước lã 2-3 ngày rồi bán ở chợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Comment moderation is enabled. Your comment may take some time to appear.

facebook
twitter