Vào năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha nổi loạn chiếm ngôi nhà Ngô. Lúc này nhiều thế lực quan lại địa phương đã tích lũy được lực lượng hùng mạnh cát cứ nên không chịu thần phục. Thời kỳ loạn 12 sứ quân bắt đầu. Cho đến hơn 20 năm sau, Định Bộ Lĩnh đã thống nhất được đất nước, dẹp loạn 12 sứ quân vào năm 968. Ông lên ngôi lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng và lập ra nước Đại Cồ Việt. Hoa Lư trở thành đế đô đầu tiên của nước ta. Ngày nay Cố Đô Hoa Lư vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tại Ninh Bình.
Nằm cạnh Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình là thắng cảnh Nhà thờ Đổ Hải Lý Nam Định. Nếu bạn đã đi đến vùng này thì không nên bỏ qua hai nơi này.
Cố Đô Hoa Lư là một trong bốn vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An. Trầm mặc, uy nghi là bầu không khí ở đây.
Cố đô Hoa Lư là Di sản gì?
Cố đô Hoa Lư nằm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cố đô Hoa Lư là di sản văn hóa được UNESCO chính thức công nhận. Đặc biệt là Di sản văn hóa kép đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.
Cố đô rộng đến 300 ha. Các công trình cổ ngày xưa vẫn còn khá nguyên vẹn, mang giá trị lịch sử.
Cảnh nước non, sông núi ở đây cũng thật đẹp, hữu tình.
Lịch sử của Cố đô Hoa Lư xưa
Cố đô Hoa Lư là đế đô đầu tiên của Việt Nam ta, gắn liền với sự ra đời của Đại Cồ Việt vào năm 968. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng.
Lịch sử tồn tại của Hoa Lư rất ngắn ngủi, chỉ khoảng 42 năm. Tuy ngắn ngủi như Hoa Lư lại có lịch sử của 3 đế triều.
Thời đại của Triều Đinh lại rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài được 12 năm từ 968 – 980. Sau đó là triều Tiền Lê 29 năm từ 980 – 1009.
Đến thời triều Lý, thì Lý Thái Tổ nhận thấy Cố Đô Hoa Lư chật hẹp, không phù hợp cho một đế đô nên quyết định dời đô về Hoàng Thành Thanh Long. Thời Lý đóng tại Hoa Lư chỉ kéo dài trong khoảng 2 năm, từ 1009 đến 1010.
Quyết định lịch sử của Lý Thái Tổ đã kết thúc vai trò đế đô của Hoa Lư. Dù vậy, Hoa Lư vẫn tiếp tục được phát triển xây dựng các công trình kiến trúc kiên cố như đền, chùa, đền thờ. Tất cả đều được bảo tồn cho đến ngày nay.
Các công trình kiến trúc của Cố đô Hoa Lư
Cố Đô Hoa Lư là đế đô nên địa thế của nơi này rất đặc biệt. Núi rừng trùng điệp bao bọc xung quanh vành đai. Dòng sông Hoàng Long uốn khúc. Cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn thì đầy hào sâu. Đây chính là địa hình quân sự dễ thủ khó công.
Vùng đất nơi đây vẫn chứa đựng nét uy nghi của bóng dáng đế đô xưa cũ. Cố đô được chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ đặc biệt, vùng đệm và các di tích liên quan.
Vùng bảo vệ đặc biệt
Vùng bảo vệ đặc biệt là toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư. Các di tích còn tồn tại cho đến ngày nay có đền vua Lê Đại Hành, đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, bia Câu Dền, chùa Cổ Am, phủ Chợ, hang Bim, chùa Duyên Ninh, sông Sào Khê và tường thành, nền điện dưới lòng đất.
Vùng đệm của Cố đô
Vùng đệm của Cố đô Hoa Lư bao gồm khu vực cảnh quan hai bên dòng Sào Khê, Quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống chùa và Động Am Tiên, đình Yên Trạch, hang Muối, hang Quàn, hang Sinh Dược, hang Luồn, hang Địa linh, hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, chùa Bà Ngô, đền Trần, phủ Khống, phủ Động, động Liên Hoa, hang Bói, v.v.
Các di tích liên quan
Các di tích liên quan của Cố đô Hoa Lư bao gồm hệ thống chùa Bái Đính cổ, cổng Nam, cổng Động, động Hoa Lư, động Thiên Tôn, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh cùng những di tích thờ vua Đinh khác ở tỉnh Ninh Bình.
Công trình kiến trúc tiêu biểu của Cố đô Hoa Lư
Đã trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, may mắn là chiến tranh không tàn phá các công trình kiến trúc này như Cố Đô Huế. Các công trình di tích có ý nghĩa quan trọng vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Hai công trình nổi bật nhất mà bạn nhất định phải xem khi ghé thăm Hoa Lư là đền vua Đinh Tiên Hoàng, người đã tạo ra đế đô và đền vua Lê Đại Hành.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thời nhà Lý, mô phỏng hình dáng của kiến trúc kinh đô xưa. Sau này lại được kiến thiết lại dưới thời Hậu Lê.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một quần thể gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, núi giả, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, Thiên Hương và hậu cung. Trong cùng đặt tượng vua Đinh và các con trai của ông.
Ngày nay, nơi đền thờ vua vẫn còn những cổ vật quý báu như đôi voi chầu, cặp bảo long sàng đá được đặt ở vị trí Sân Rồng, tạc hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối với những đường nét chạm khắc tinh xảo.
Đền vua cũng được trang trí bởi nhiều hình dáng, họa tiết chạm khắc tinh xảo trên cột gỗ, cột đá với hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá….
Đền vua Lê
Cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 500m là đền vua Lê Đại Hành với quy mô nhỏ hơn.
Ngôi đền được xây dựng với ba tòa gồm Bái Đường, Thiên Hương, thờ Phạm Cự Lượng. Phạm Cự Lượng là người có công giúp Lê Hoàn lên ngôi vua.
Ở khu vực chính cung là nơi thờ vua Lê Đại Hành, bên trái là con trai ông – Lê Ngọa Triều, bên phải là hoàng hậu Dương Vân Nga.
Trước đền là quảng trường trung tâm của Cố Đô Hoa Lư. Sau đền là hào nước chạy quanh dưới chân núi Đìa.
Đền vua Lê vẫn còn dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chậm trổ điêu khắc công phu. Bạn vẫn nhìn thấy được nền cung điện cũ và các món đồ gốm sứ cổ. Các hiện vật quý này hiện được lưu trữ tại phòng bảo tàng bên trái đền.
Đền thờ Công chúa Phất Kim
Công Chúa Phất Kim là con gái của vua Đinh Tiên Hoàng. Để suy tôn người phụ nữ hiền lành lại chịu nhiều sóng gió, người dân đã xây dựng ngồi đền thờ Công Chúa Phất Kim.
Đền thờ công chúa Phất Kim nằm bên cạnh đền vua Lê Đại Hành và chùa Nhất Trụ.