Bạn biết cái tên Temu chứ? Nó đã đến Việt Nam, cũng như đổ bộ khắp thế giới. Cái tên này đang làm rúng động nền kinh tế của nhiều quốc gia. Một số thì cực đoan cấm Temu. Các nước phương Tây, Mỹ thì đang đau đầu tìm cách đối phó với nó. Nhưng ảnh hưởng của Temu đến Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều do địa thế kinh tế chính trị đặc biệt của Việt Nam.
Do sát bên Trung Quốc, và có nền kinh tế thị trường copy giống như Trung Quốc, nên Việt Nam rất khó có lợi thế cạnh tranh với quốc gia láng giềng này. Hàng hóa Trung Quốc từ lâu đã ngập tràn Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam phải sinh tồn rất vất vả. Tuy nhiên bản thân hàng hóa Trung Quốc cũng nuôi sống rất nhiều người Việt Nam tham gia phân phối hàng Trung Quốc.
Nhưng sắp tới đây với Temu, hệ thống phân phối này sẽ bị loại bỏ. Hàng hóa Trung Quốc sẽ được bán thẳng từ nhà máy đến người tiêu dùng Việt Nam với mức giá rẻ sát ván. Các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn không trụ lại nổi với áp lực khổng lồ này. Các cửa hàng bán lẻ không trụ được, tình trạng trả mặt bằng càng bi đát hơn.
Xem thêm bài: Chiến thuật chiếm lĩnh thị trường của Temu
Hậu quả cho Việt nam từ Temu
Do ảnh hưởng của Temu, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam không trụ được sẽ dẫn đến hàng triệu người thất nghiệp. Hệ thống phân phối truyền thống theo đó cũng biến mất. Bản thân hệ thống phân phối hàng Trung Quốc trước giờ cũng biến mất. Tất cả điều này sẽ dẫn đến tình trạng mặt bằng trống khắp nơi. Lực lượng lao động thất nghiệp phải tìm cơ hội việc làm khác tăng cao.
Tất cả áp lực này có thể dẫn đến một xã hội bất ổn. Rất nhanh, năm 2025 được dự đoán Temu sẽ bước đầu chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Việt Nam không thể mạnh tay như một số nước để cấm Temu. Vì địa chính trị không cho phép, cũng như luật chơi kinh tế thế giới không cho phép.
Temu của ai?
Temu là một nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings từ Trung Quốc. PDD Holdings là tập đoàn đã sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Trên nền tảng kinh nghiệm sẵn có, họ đã tạo Temu.
Nhà sáng lập PDD Holdings là Colin Huang, 44 tuổi, nhà tỉ phú giàu thứ ba của Trung Quốc. Tổng tài sản của ông là 44,9 tỷ tính đến ngày 17/10 theo Bloomberg Billionaires Index.
Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo hãng dịch vụ tư vấn và đầu tư startup Momentum Works (Singapore). Chỉ trong nữa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch trên Temu đạt 20 tỷ USD, vượt mốc 18 tỷ của năm 2023.
Temu đổ bộ vào Việt Nam
Vào tháng 9/2024 Temu đổ bộ vào Việt Nam. Người Việt hiện tại có thể tải ứng dụng Temu về điện thoại với ngôn ngữ tiếng Việt và có thể bắt đầu mua sắm.
Việt Nam là thị trường thứ năm của sàn này tại Đông Nam Á. Trước đó, Temu đã vào các nước Thái lan, Philippines, Malaysia, Brunei.
Người Việt hiện giờ đã quen với hình thức mua sắm thương mại điện tử. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online. Giá trị bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Năm 2023, tổng giá trị thương mại điện tử ở Việt Nam tăng gần 53% so với 2022. Trung bình mỗi năm, tốc độ phát triển thương mại điện tử Việt Nam là 25%.
Việt Nam hiện là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 21 thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Đứng đầu là Indonesia và Thái Lan.
Temu vẫn chưa đăng ký ở Việt Nam
Tuy đã đổ bộ vào Việt Nam nhưng Temu vẫn chưa đăng ký ở Việt Nam.
Theo quy định pháp luật Việt Nam thì các sàn giao dịch thương mại điện tử phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam. Các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch/năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động.
Tuy vậy, cơ quan quản lý Việt Nam cũng thừa nhận là một số nền tảng vẫn chưa tuân thủ quy định này.
Thị phần của thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Chúng ta cùng nhìn qua thị phần hiện tại của thị trường thương mại điện tử Việt nam.
Tính tới quý II năm 2024 thì có 261.000 nhà bán trên Shopee, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000), Lazada (104.000), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, theo số liệu của YouNet ECI.
Cũng trong quý II người Việt đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý II. Đứng đầu là Shopee với vị trí thống lĩnh 71,4%. Đứng thứ hai là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%. Còn 1% còn lại thì được các sàn nội địa Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi cùng với các tên tuổi lớn như Amazon Global, Alibaba hay Shein cùng chia sẻ.
Mối đe dọa thay đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam từ Temu
Nền kinh tế Việt Nam sẽ có chấn động lớn. Nền kinh tế sản xuất của Việt Nam vốn rất yếu ớt nay phải đứng đối diện với một đợt sóng thần. Không một ai có thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc, nhất là khi họ loại bỏ gần như hoàn toàn chi phí của hệ thống phân phối.
Tôi cũng không rõ chính phủ Việt Nam sẽ có sách lược nào cho tình hình sắp tới.
Chiến lược của người bán hàng Việt Nam
Đối với người bán hàng trong nước thì quả thực họ không có một biện pháp cụ thể nào. Giải pháp của họ là sẽ tìm các sản phẩm ngách mà sàn Temu không có. Họ cũng sẽ cố gắng làm dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên với mức giá rẻ hơn vài lần thì vấn đề sẽ không đơn giản như vậy.
Dù sao, họ vẫn chưa phải đối trực diện với Temu vào thời điểm này. Nhưng sẽ không quá lâu, họ sẽ phải làm điều đó. Có thể lúc đó họ sẽ nhận thấy vấn đề khó khăn như thế nào.
Biện pháp từ Chính phủ Việt Nam
Chính phủ Việt Nam hiện tại cũng quan tâm và tìm giải pháp cho vấn nạn Temu. Một phương pháp phổ biến nhất được nhiều quốc gia phương Tây và Mỹ áp dụng là thu thuế VAT với các món hàng giá trị nhỏ. Ở Việt Nam thì mức giá được xác định là dưới 1 triệu đồng. Ủy Ban Tài Chính Ngân sách của Quốc Hội đã đề nghị thu thuế VAT với mặt hàng dưới giá trị 1 triệu đồng.
Ngoài ra có biện pháp nữa là dùng hàng rào thuế quan. Nhưng Việt Nam cũng đã gia nhập sâu vào thị trường thế giới, nên biện pháp dùng hàng rào thuế quan là không khả thi, vì nó có thể vi phạm các hiệp định mà Việt Nam ký kết.
Còn một giải pháp phụ nữa, chỉ mang tính khắc chế nhỏ. Đó là rà sát xem hàng hóa nào còn chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế thì áp thuế lên, dùng biện pháp quản lý chống cạnh tranh không lành mạnh, tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.