Cây tre là loài cây sinh trưởng mạnh mẽ, có thể tồn tại ở nhiều địa hình khác nhau. Do vậy chúng ta có thể trồng tre từ gốc, thân hoặc cành. Cách trồng tre theo vậy có 3 phương pháp cơ bản là hom gốc, hom thân, hom cành. Trong quá trình trồng tre, chúng ta có thể dùng một số loại hoạt chất kích thích ra rễ để đẩy nhanh quá trình tạo giống mới.
Ngoài ra, tre còn là một vị thuốc cho các trường hợp sốt nóng, cảm mạo, đặc đờm. Cây tre gai có thể dùng để lọc máu hiệu quả.
Nếu bà con muốn chuyển đổi đất trồng hoặc giới hạn cây tre phát triển trong vùng đất của mình thì xem bài diệt cây tre ở đây.
Nội dung:
- Cây tre sinh sản bằng gì?
- Cây tre có hoa không?
- Cây tre có quả không?
- Vòng đời của cây tre
- Cách trồng tre
- Trồng tre lấy thân
Cây tre sinh sản bằng gì?
Cây tre có thể sinh sản bằng nhiều cách khác nhau. Cách trồng tre đa phần là phương pháp nhân giống vô tính. Bởi vì cây tre có thể sinh trưởng mạnh mẽ nên việc trồng, nhân giống cũng tương đối dễ dàng.
Cây tre cũng có thể sinh sản theo phương pháp bình thường của tự nhiên là ra hoa, kết trái, sinh hạt và nảy mầm cây tre mới. Tuy vậy việc cây tre có hoa là một việc hiếm gặp. Nên cây sinh sản chủ yếu dựa vào thân ngầm mọc chồi măng. Các thân ngầm này thường nằm sâu dưới đất khoảng 30cm-40cm. Chúng bò trong đất và mọc lên các chồi măng. Chồi măng trưởng thành sẽ thành cây tre con.
Các bạn cũng có thể nhân giống tre vô tính bằng cách hom gốc, hoặc hom thân, hom cành … Cách này sẽ nhân giống được cây tre nhanh hơn và trồng tre chủ động hơn. Ở Việt Nam chủ yếu là hom gốc. Tuy nhiên một số nơi thực hiện việc nhân giống bằng cành. Vì cách này có thể cho ra các cây tre con với số lượng nhiều hơn, nhanh hơn.
Cây tre có hoa không?
Có! Cây tre có hoa nhé các bạn. Hiếm khi các bạn thấy được hoa của cây tre. Vì một cây tre có thể ra hoa sau khi đã sống đến 60-100 năm. Ai có thể đợi đến lúc đó chứ?
Hoa cây tre màu vàng nhạt, nhị hoa mang bao phấn có màu vàng tươi. Để xem chi tiết hơn về đặc điểm của hoa cũng như các đặc điểm sinh trưởng cơ bản của cây tre bạn xem ở đây.
Cây tre ra hoa khi nào? – Một cây tre ra hoa bao nhiêu lần trong đời?
Cây tre ra hoa khi đã 60-100 năm. Đó là thời điểm cuối của sinh mệnh cây tre. Lúc này nó sẽ tập hợp hết sức sống còn lại để ra hoa, kết trái duy trì đời sau. Bởi vậy, sau khi cây tre ra hoa, kết trái thì nó sẽ chết.
Hoa cây tre có màu gì?
Hoa cây tre có màu vàng nhạt. Các bạn có thể xem ở hình sau.
Cây tre ra hoa báo hiệu điều gì?
Trong phong thủy, cây tre là biểu tượng của sự mạnh mẽ, vững chải, trường thọ. Có lẻ là do đặc tính sinh trưởng mạnh mẽ của nó. Tuy vậy với hiện tượng ra hoa lại có quan điểm ngược lại.
Thường mỗi cây tre sau khi ra hoa thì sẽ tàn lụi chết đi. Vì vậy hiện tượng cây tre ra hoa được cho là dự báo có điềm không may mắn. Như trong dân gian có câu “Trúc nở hoa ắt có tai ương”, “Trúc nở hoa, lập tức dọn nhà”.
Thực ra ngược lại ta phải nói là, trước khi cây tre chết đi, nó sẽ cố gắng ra hoa và dành tinh hoa còn lại cho quá trình ra hoa, kết trái, sinh hạt để duy trì nòi giống. Nếu nhìn nhận theo cách này, thì hiện tượng cây tre ra hoa là một hiện tượng đáng quý, thể hiện sự mạnh mẽ, hi sinh, trường tồn của nó. Do vậy quan điểm nhìn tích cực hay tiêu cực là do góc nhìn khác nhau mà ra thôi.
Hiện tượng khuy chết hàng loạt của cây tre
Trong lịch sử, có những lần xảy ra hiện tượng khuy chết hàng loạt của cây tre. Như tháng 7/2009, tại Tuyên Quang, Việt Nam 7.188 ha tre nứa bị chết khuya. Chết hàng loạt trên diện rộng.
Tháng 10/1958 quận Mizoram tại Ấn Độ cũng có hiện tượng tre ra hoa hàng loạt và chết khuy. Khu vực này sau đó đã chịu nạn đói và hạn hán nghiêm trọng.
Hiện tượng chết khuy hàng loạt này của cây tre thường là có một sự thay đổi nào đó trên diện rộng về thời tiết hay thổ nhưỡng, như nạn hạn hán, thậm chí động đất. Các cây tre có vẻ như là cảm nhận trước được điều đó và thực hiện quá trình ra hoa, kết trái, sinh hạt bảo tồn đời sau trước khi chết đi.
Cây tre có quả không?
Sau khi ra hoa, thì lúc hoa tàn là lúc sinh quả cây tre. Quả cây tre kích thước khá nhỏ, nhỉnh hơn ngón tay cái chúng ta một chút.
Quả cây tre có ăn được không?
Quả cây tre ăn sống thì rất đắng. Tuy nhiên có thể luộc lên để ăn, và hoàn toàn không đắng nữa.
Quả cây tre ăn giòn giòn như cùi dừa, không vị. Mùi quả tre thì khá thơm. Nếu đem nước lên thì thơm như ngô nướng.
Vòng đời của cây tre
Cây tre thường sinh trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm đầu. Nếu người trồng tre để thu hoạch thì sau 1 năm đã có thể thu hoạch đến năm thứ tư. Sau 5 năm tre đã bước qua giai đoạn sinh trưởng. Số rễ tre, cũng như chiều dài rễ sẽ giảm lại.
Vòng đời của cây tre có thể từ 60-100 năm. Con số này chỉ tương đối, thay đổi tùy theo loài.
Cách trồng tre
Hiện nay, bà con khá quan tâm đến kỹ thuật trồng tre tứ quý. Đối với trồng lấy măng, hay trồng lấy thân thì giống tre này đều rất có thời gian thu hoạch nhanh nhất, ngắn nhất. Chỉ sau 7 tháng, bà con có thể bắt đầu thu hoạch măng. Sau 1 năm, bà con có thể bắt đầu thu hoạch thân. Kỹ thuật trồng tre tứ quý lấy thân hay lấy măng đều không khác biệt với kỹ thuật chung của các loài tre còn lại. Nên bà con có thể tham khảo cách trồng tre dưới đây và bài cách trồng tre lấy măng.
Nhân giống
Cách trồng tre chủ yếu ở các phương pháp trồng bằng hom gốc, hom thân hay hom cành, nuôi cấy mô. Phương pháp phổ biến ở Việt Nam là hom gốc với một đoạn thân khí dài từ 3-5 lóng.
Vùng trồng tre
Cây tre là loài dễ sinh trưởng ở các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên là một loài thích sáng và ẩm thì vùng trồng tốt nhất là khu vực ven suối, ven sông, trên đất phù sa hoặc nơi có đất bồi tụ.
Không nên trồng ở vùng đất nhiễm mặn hoặc nơi quá lạnh. Độ cao của vùng đất nên dưới 800m.
Cách trồng tre bằng hom gốc
Thời điểm trồng tốt nhất được cho là đầu mùa xuân tháng 2, tháng 3 hoặc vào vụ thu, tháng 8 đến tháng 10.
Cách trồng tre bằng hom gốc ở vùng Lạng Sơn như sau. Vào cuối mùa xuân. Đào gốc cây tre bánh tẻ, đào cả củ và một đoạn thân tre khí sinh dài 1-1,5m. Để giữ độ ẩm cho gốc tre, lấy rơm trộn bùn ao đắp lên, đắp cả lên thân từ 2-3 lóng. Đổ thêm nước vào cho đủ ướt. Sau đó có thể đợi 1-2 đêm mới đi trồng, hoặc có thể trồng ngay.
Sau đó cần đào hố để trồng cây xuống. Hố đào sâu 40-50cm, miệng hố 30-40cm. Cây giống đặt xuống hố nghiêng góc 40-60o . Dùng đất mùn hoặc đất phù sa hay phân chuồng hoai để lấp hố và dằn chặt gốc.
Cách trồng tre bằng đào nguyên thân ngầm và thân khí sinh
Cách trồng tre bằng thân ngầm công phu hơn, cực hơn. Đó là đào sâu xuống, lấy nguyên thân ngầm và thân khí sinh để chuyển đi. Kỹ thuật trồng thì chắc chắn sống 100%. Nhưng không thích hợp cho trồng số lượng lớn. Nếu ở quy mô nhỏ như gia đình, các bạn có thể thử.
Nên chọn thân ngầm có chồi non, không bị dập nát. Phần thân khí sinh nên có từ 3 lóng trở lên, độ dài khoảng 1 mét. Đường kính thân khí sinh khoảng 7 cm.
Cách trồng tre bằng hom cành
Cách trồng tre bằng hom cành được thực hiện bởi sự hỗ trợ dung dinh IAA hay IBA, NAA nồng độ 100ppm.
Việc đầu tiên đó là phải chọn cành giống. Cành giống nên chọn từ thân tre 1-2 tuổi (đây là thời kỳ tre sinh trưởng mạnh nhất). Cành có đường kính dưới 1,5cm và có 3 đốt.
Gốc cành được cưa theo hướng từ dưới lên trên. Cưa sâu khoảng một nửa đường kính của gốc cành. Cành được cắt ngắn lại chỉ còn 2-3 lóng lá.
Tạo giá thể từ rơm hoặc xơ dừa, đất và chất kích thích ra rễ.
Bọc chặt giá thể vào gốc cành bằng bao ni lông. Bao ni lông cần đục các lỗ thoáng khí để gốc cành cần ra rễ có thể tiếp xúc với không khí.
20-30 ngày sau là thời gian rễ mới sẽ mọc ra ở gốc cành. Cắt cành đã ra rễ và đặt vào bầu đất, và cho vào trong các luống.
Trong thời gian 1 tháng đầu các cây tre con cần có mái che mát 70-80%. Và việc tưới nước cần thường xuyên đảm bảo nhu cầu nước. Sau 1 tháng thì bỏ dần mái che để cây có thể tiếp xúc thêm với nắng.
Sau 3 tháng cây con đã mạnh, có nhiều rễ và cành lá mới. Lúc này bạn có thể mang cây đi trồng.
Bạn cũng có thể bầu đất trực tiếp trên các cành ở trên thân tre. Sau khi cành sinh rễ thì có thể cắt cành đưa xuống.
Cách trồng tre bằng hom thân
Cách trồng tre bằng hom thân được thực hiện bằng cách cắt một đoạn thân tre dài 50cm. Nên chọn thân tre 1-2 tuổi và đường kính lớn, sinh trưởng mạnh.
Đặt đoạn thân này nằm ngang dưới mặt đất khoảng 10cm. Xử lý bằng kích thích tố sinh trưởng loại NAA (Naphtalen Acetic Acid) nồng độ 200-600ppm. Sau một thời gian thân tre này sẽ mọc rễ và hình thành các cây tre mới.
Trồng tre lấy thân
Với bà con trồng tre lấy thân, thì thời gian khai thác tùy theo loài. Như giống tre gai, thời gian khai thác khoảng 4 năm ở nơi đất tốt. Còn trồng tre tứ quý lấy thân chỉ cần 1 năm đã có thể bắt đầu thu hoạch rồi.
Các cây tre già qua độ tuổi sinh trưởng mạnh nhất, thường là sau 5 năm, thì không nên giữ lại. Chặt các cây già sẽ giúp các cây mới sinh trưởng tốt hơn.
Trong các giống tre, thì tre gai là loại có thân rất chắc, cứng, phù hợp cho xây nhà, làm móng cọc.
Việc khai thác thường được thực hiện theo 2 cách
Chặt tỉa, tùy theo nhu cầu cần cung cấp, người trồng sẽ chặt các cây lớn tuổi hơn để bán.
Chặt luân kỳ, tức là chặt hết nguyên bụi. Cách chặt này chỉ là giữ lại các cây tre non chưa đủ độ tuổi khai thác. Chặt xong, nên đổ bùn lấp lại. Như vậy sau một thời gian, tre lại mọc lại.
Cách chặt cây tre khi trồng tre lấy thân
Khi trồng tre lấy thân, kỹ thuật chặt tre rất quan trọng. Bạn cần lưu ý một số điều sau:
Nên chặt tre vào mùa khô. Vào mùa này, độ ẩm trong không khí thấp, hàm lượng nước trong cây tre cũng thấp hơn, tránh được hiện tượng mối mọt.
Nếu bạn dùng thân tre để làm hàng thủ công, thì không nên khai thác cây lớn tuổi. Mà dùng cây non hơn tầm 1 tuổi. Loại tre này thân sẽ mềm hơn.
Nếu bạn dùng thân tre để phục vụ cho làm cầu cống, cọc nhà thì ngược lại, bạn nên chọn những cây 4 tuổi trở lên. Nếu chọn giống tre gai thì tốt hơn.
Lúc chặt tre cần lưu ý chặt sát mặt đất nhất có thể. Việc này sẽ tránh được hiện tượng nâng búi của tre.
Nếu bạn chặt tỉa để bán tre theo nhu cầu thì không nên chặt vượt quá 60% số cây trưởng thành còn lại trong búi.
Giống tre gai thì bạn nên phạt hết mấy gai nhọn ở thấp để an toàn hơn khi lao động.
Xử lý thân tre sau khi chặt
Trong việc khai thác trồng tre lấy thân, cần lưu ý để xử lý thân tre để tăng độ bền, giữ được thân lâu hơn. Thân tre nếu không được xử lý sau khi chặt thì độ bền không cao. Xử dụng ngoài trời chỉ được khoảng 1-3 năm, trong phòng lâu hơn chút từ 2-5 năm, trong nước biển là 6 tháng.
Cách xử lý quen thuộc cổ truyền ở vùng Đông Nam Á là ngâm thân tre trong dòng nước chảy 2 tháng. Nếu có nước lợ thì ngâm nước lợ. Sau đó đem phơi khô, hun khói hoặc hơ nóng.
Nếu tre được dùng để đan lát thì nên phơi trong bóng râm, thay vì cách phơi ở trên, khoảng 3-5 ngày. Rồi chặt bỏ các đốt và chẻ các lóng thành thanh tre. Phần lóng ở đoạn giữa thân là tốt nhất, và lớp ở ngoài cùng gần vỏ là tốt nhất. Phần vỏ và ruột thì bị loại bỏ.
Chăm sóc đất khi trồng tre lấy thân
Nếu các bạn đang trồng tre lấy thân hay lấy măng đều cần quan tâm đến yếu tố dinh dưỡng của đất. Mặc dù tre sinh trưởng mạnh. Nhưng đất khô cằn, kém dinh dưỡng thì cây cũng khô cằn, thân nhỏ, vỏ mỏng.
Đất tốt nhất nên ẩm ướt, đất mùn hay đất phù sa thì càng tốt. Việc bón phân nên thực hiện đều đặn 2 tháng/1 lần. Nếu mùa khô, thì bạn nên tưới nước cho tre. Tưới nước có thể cách ngày tưới 1 lần. Nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Sâu bệnh
Tre thường ít sâu bệnh. Nên các bạn cũng không cần dùng đến các chế phẩm tiêu diệt sâu bọ. Tất nhiên cũng có một số loài ăn tre. Ví dụ châu chấu ăn lá tre, hay sâu cuốn màng ăn lá tre non. Hoặc một số loại côn trùng cánh cứng, mối.