Home » Văn hoá » Thành Cổ Loa Đông Anh, mối tình Mỵ Châu Trọng Thủy

Bóng hai người lướt vùn vụt trên con đường mòn chạy ra biển, người đàn ông ra sức quất ngựa, gương mặt cương nghị uy nghiêm tràn đầy mệt mỏi. Họ đã chạy rất lâu nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi truy binh phía sau. Đám truy binh như dòi trong xương, bằng phương pháp nào đó, chúng như những con chó săn với cái mũi cực thính đeo bám con mồi không nhả.

Người đàn ông nét mặt đầy căng thẳng vẫn không nhận ra cô gái sau lưng mình đang len lút bứt từng sợi lông áo thả xuống trên đường.

Trước mặt đã là biển, trời đã tuyệt lòng người, giang sơn cơ đồ mới dựng nên nay đã hủy hoại, trong cơn tuyệt vọng, người đàn ông khấn vị thần Kim Quy hộ mệnh của dân tộc Việt. Ánh trời đang le lói chiều tà bỗng tối sầm, một con Kim Quy to lớn hiện ra, giọng vang vọng.

– Giặc ở sau lưng nhà vua đấy!

Người đàn ông giật mình thoảng thốt nhìn đứa con gái gương mặt mĩ miều còn đọng nét ngây thơ, liếc mắt thấy chiếc áo lông ngỗng nhiều chổ nham nhở, ông hiểu ra mọi chuyện. Dưới những tia sáng cuối cùng trong ngày, cũng của triều đại đầu tiên của nước Âu Lạc, đầu cô gái bay lên, đôi mắt vẫn còn mang theo một tia không hiểu, thân hình kiều diễm ngã xuống, máu tươi tràn ướt đẫm bãi cỏ.

Lịch sử thành Cổ Loa

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, năm 208 trước công nguyên, An Dương Vương là một vị hùng mưu đại lược, nhất thống hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, quy tụ sức mạnh dân tộc Việt về một mối. Ông lấy tên quốc gia là Âu Lạc.

Bước đầu tiên để xác lập sức mạnh quốc gia và chống cự lại họa xâm lăng từ phương Bắc, An Dương Vương hạ lệnh xây thành Cổ Loa, thành lập kinh đô. Đây có thể coi là thành kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt.

Năm 179 trước công nguyên, quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt tan vỡ chỉ sau 29 năm. Mị Châu, hòn ngọc quý trên tay An Dương Vương, lại trở thành nguyên nhân quốc gia sụp đổ.

Sự sụp đổ của nhà nước Âu Lạc cũng mở đầu cho thời kỳ nô lệ 1.000 năm tăm tối của dân tộc Việt đến từ sức mạnh phương Bắc.

Phải hơn 1.000 năm sau, một vị anh tài của dân tộc Việt xuất hiện. Sau chiến thắng nhà Hán vang dội trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã chính thức khôi phục nền độc lập dân tộc và một lần nữa thành Cổ Loa lại trở thành kinh đô của dân tộc Việt.

Chỉ đáng tiếc là vị anh hùng Ngô Quyền cũng không thoát khỏi ám toán chỉ sau một thời gian trị vì ngắn ngủi. Nước nhà lại một lần nữa đại loạn chia tách với 12 sứ quân cát cứ. Cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện thống nhất đất nước lần nữa và dời đô về Hoa Lư.

Thành Cổ Loa Đông Anh ở đâu?

Thành Cổ Loa nằm tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay. Thành Cổ Loa nằm ở hướng Bắc Hà Nội, hơi chệch về Đông, cách Hà Nội khoảng 20km.

Ngày nay thành Cổ Loa trở thành điểm nghỉ ngơi, du lịch của dân Hà Nội mỗi khi cuối tuần hoặc lễ do vị trí khá gần và ẩm thực ở đây có tính địa phương.

Vị trí địa lý của Cổ Loa

Vua An Dương Vương chọn dựng thành Cổ Loa tại vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ.

Vị trí này có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa.

Thành Cổ Loa nằm ở khu đất đồi cao ráo tả ngạn sông Hoàng. Tất nhiên, ngày nay nếu bạn đến thăm sông Hoàng thì chỉ thấy nó chỉ là một con lạch nho nhỏ. Nhưng xưa kia nó là một con sông nhánh to lớn của sông Hồng, nối liền với sông Cầu.

Cấu trúc thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa có diện tích gần 46 ha. Nó có 3 vòng thành bao quanh: Thành Nội, Thành Trung, Thành Ngoại.

Thành được xây dựng không phải bằng gạch và kéo thành một đường thẳng như bạn hình dung đâu. Nó được dựng lên dựa vào địa hình các gò, đồi, dải đất tự nhiên, lại kéo dọc theo con sông Hoàng. Như vậy thành nó là các ụ đất cao, kéo dài, quanh co.

Dưới thành chính là các hào nước thông với sông Hoàng. Trên mặt thành xây các ụ đất nhô ra, gọi là hỏa hồi. Trên thành cũng có các miếu thờ thần.

Các đợt khai quật khảo cổ vào những năm 1970, 2005, 2007 cho thấy thành Cổ Loa đã trải qua ít nhất 3 lần đắp. Dấu tích liên quan biểu hiện qua các di tích: lũy phòng thủ, di tích bếp, cụm gốm Đông Sơn, lò nung gạch, ngói …

4.1. Tường thành ngoại

Tường thành ngoại của thành Cổ Loa là bức tường đầu tiên phải vượt qua khi vào thành. Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của tường thành ngoại bên dưới. Nó thường là những gò đất tự nhiên với độ dày từ 13-20m, cao từ 3-4m. Tường chủ yếu là lớp đất sét. Phía dưới chân tường thì có thêm lớp đá kè.

Tường thành ngoại có độ dài ban đầu khoảng 7.880m. Tuy nhiên theo thời gian nhiều đoạn tường thành đã bị phá hủy.

Thành ngoại thành Cổ Loa còn sót lại
Một đoạn tường thành ngoại còn sót lại

4.2. Tường thành trung

Ở bên trong thành Cổ Loa, bạn lại chứng kiến thêm một lớp tường thành nữa được gọi là Tường Thành Trung.

Tường thành Trung cũng lợi dụng địa hình tự nhiên nên không xây theo đường thẳng. Tường thành Trung lợi dụng các gò đất tự nhiên và men theo các đường bờ đầm hồ để tạo rào cản. Tường thành có chiều cao 6-12m và cũng rộng khoảng 20m như tường thành ngoại.

Chiều dài Tường Thành Trung khoảng 6.310m.

4.3. Tường thành nội

Tường Thành Nội được cho rằng được xây dựng sau này vào thời của Ngô Quyền.

Tường Thành Nội xây theo hình chữ nhật theo 4 hướng Nam, Bắc, Tây, Đông. Vòng thành chỉ có cửa chính mở ở phía Nam.

Quanh Tường Thành Nội có 12 Hỏa Hồi. Mỗi Tường Ngang có 2 Hỏa Hồi, tường dọc thì có 4 Hỏa Hồi.

Tường Thành Nội vẫn có chiều dày đến 20m, chiều cao 5m, chiều dài khoảng 1.730m.

Văn hóa thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là vị trí đặc biệt trong văn hóa của dân tộc Việt. Có rất nhiều văn hóa tộc Việt đã tồn tại trên mảnh đất này. Như văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Các bạn đã nghe về trống đồng Đông Sơn rồi chứ?

Có rất nhiều di chỉ khảo cổ tồn tại ở đây. Như Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Trẻ, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực.

Hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí, thậm chí vũ khí bằng đồng, đã được tìm thấy ở đây, tại thành Cổ Loa.

Dân cư sống ở thành Cổ Loa có nhiều tập tục như tục kết chiềng, kết chạ, tục ăn sêu Bà Chúa vào ngày 13 tháng Tám âm lịch, tục khất keo làm cụ Từ, tục kiêng tên húy, tục kiêng nuôi gà, ngan, ngỗng trắng, tục đãi dâu không đãi rể.

Lễ hội thành Cổ Loa

Nếu bạn tới thăm thành Cổ Loa, nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt ngày xưa, thì thời điểm ngày 6 tháng Giêng hàng năm là thời điểm tốt nhất để đi. Ngày này tương truyền là ngày Thục Phán lên ngôi vua, lấy hiệu là An Dương Vương. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức tại đền Thượng vào ngày đặc biệt này để tôn vinh, tưởng nhớ vua An Dương Vương, người đã lập ra nhà nước Âu Lạc cho dân tộc Việt và xây dựng kinh thành Cổ Loa.

Lễ Hội Cổ Loa tại đền Thượng
Lễ Hội Cổ Loa tại đền Thượng

Lễ Hội có nhiều nghi thức truyền thống như: tục dâng lễ, tiến lẽ vua, tế lễ đền Thượng, rước kiệu quanh hồ bán nguyệt, qua đình Ngự Triều Di Quy và am Mỵ Châu.

Bạn cũng được xem các biểu diễn tuồng, múa rối nước, hát quan họ, bắn nỏ, cờ người, đấu vật, đu tiên, ném còn, chọi gà và trò chơi đập niêu đất.

Một cảnh trong lễ hội Cổ Loa

Thành Cổ Loa có gì?

Năm tháng dài đằng đẳng với bao biến cố, nhiều thứ cũng tan theo bụi bặm, nhiều dấu tích bị xóa đi. Dù vậy thành Cổ Loa vẫn còn giữ được 60 di tích cổ, trong đó 7 di tích được xếp hạng cấp Quốc Gia.

Một số di sản văn hóa phi vật thể cũng còn được bảo tồn, đó là những tài sản trân quý của dân tộc Việt.

Đền Thượng – Đền Cổ Loa (đền thờ An Dương Vương)

Đền Thượng thành Cổ Loa còn được gọi là Đền Cổ Loa, là đền thờ vua An Dương Vương. Đây là một di tích trọng điểm quan trọng nhất. Lễ Hội Cổ Loa cũng bắt đầu ở đây.

Diện tích của khu đất rộng 19.138,6m2. Lối đi lên cửa giữa đền có đôi rồng đá phong cách thời Lê mạt.

Trong đền còn giữ được 5 tấm bia đá và 53 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc.

Tượng An Dương Vương bằng đồng trong đền nặng 200kg. Tượng mới được đúc vào năm 1897.

Dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê mạt. Trong đền còn lưu giữ được 5 tấm bia đá và 53 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc.

Thượng điện của đền Cổ Loa (Ảnh: Sưu tầm)

3 đợt khai quật tại đền Thượng vào cuối năm 2004 đến năm 2007 đã phát hiện được hệ thống lò đúc mũi tên đồng và nhiều vật có giá trị khác.

Sân đền Thượng lát đá xanh. Đi qua cổng ngoài, bạn sẽ thấy cổng tam quan cổ kính với kiến trúc 2 lầu thượng, hai bên là hai mắt rồng đối xứng nhau.

Một góc tây đền Cổ Loa

Đền Cổ Loa gồm hạ điện, thượng điện. Hạ điện có 3 gian, to cao và cột gỗ lim to lớn, tám mái cong vút. Hai bên hạ điện sẽ có hai dãy nhà nối liền với thượng điện.

Đền Cổ Loa

Giếng Ngọc thành Cổ Loa

Bạn có nhìn thấy giếng nước ở giữa hồ trước đền Cổ Loa? Đó là giếng Ngọc.

Khi Triều Đà đã chiếm được thành Cổ Loa, Trọng Thủy lần theo vết lông ngỗng đến gần bờ biển, thấy được người mình yêu nằm trên bãi cỏ, đầu người phân liệt mà đau xé lòng than khóc.

Chiến tranh xưa nay vốn tàn bạo bất nhân, nay lại liên lụy ái tình, hay ái tình liên lụy hưng vong?

Tâm muốn sống của Trọng Thủy không còn nữa, nên cuối cùng đã về lại thành Cổ Loa, gieo mình tự vẫn ở trong giếng Ngọc. Hồ nước bao quanh giếng Ngọc này chính là nơi ngày xưa Mỵ Châu và Trọng Thủy có những thời khắc đẹp ngắn ngủi bên nhau.

Giếng Ngọc nơi Trọng Thủy gieo mình.

Đình Cổ Loa (Ngự Triều Di Quy)

Đình Cổ Loa nằm ở giữa khu Thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương 300m về phía Đông.

Trước đình là khoảng sân rộng, bên trái là đường dẫn vào am Mỵ Châu hay còn gọi là am bà Chúa.

Giữa đình là khám thờ lớn đặt ngai thờ An Dương Vương, phía dưới là bài vị thờ tướng Cao Lỗ, người có công chế tạo nỏ thần.

Đình được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Bố cục mặt bằng nền hình chữ Đinh, gồm đại đình và hậu cung.

Đại Đình gồm 5 gian, 2 chái, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, 4 góc đao cong vút.

Hậu cung nối liền với Đại Đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên.

Trong đình lưu giữ 17 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Đình Cổ Loa

Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu)

Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:

Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh.

Hiu hắt Mỵ-Châu nằm, trăng phủ.

Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.

Cát vàng le lói muôn hàng châu:

Long lanh trai tuyết nhìn canh thâu.

Thương ai sao biếc thầm gieo lệ.

Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau.

Chân nàng hoa lả nhuốm màu sương.

Vừng trăng lạnh lẽo, chim kêu buồn.

Thân ngà tóc rủ vờn man mác,

Thiêm thiếp em chờ ai bên đường?

Am Mỵ Châu còn gọi là am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu. Khu vực đền thờ rộng 925,4 m2, được bố cục theo dạng tiền Nhất, hậu Đinh, gồm tòa tiền tế, trung đường và hậu cung.

Đền thờ nằm phía Tây của đình Ngự Triều Di Quy. Trong đền có bàn thờ, ngai thờ và tượng đá công chúa Mỵ Châu để tưởng nhớ nàng công chúa bất hạnh.

Đền thờ Mỵ Châu (Ảnh: thanhcoloa.vn)

Lăng Mỵ Châu

Trọng Thủy sau khi tìm thấy xác vợ, đã đem nàng về chôn cất tại đây. Lăng xây dựng đơn giản với khu đất cao vuông vức và bao quanh bằng tường gạch.

Lăng Mỵ Châu (Ảnh: thanhcoloa.vn)

Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự)

Chùa Bảo Sơn Tự được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Chùa bố cục theo dạng Nội Công Ngoại Quốc, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách.

Trong chùa cũng còn lưu giữ được 132 hiện vật có giá trị lịch sử.

Chùa Bảo Sơn Tự

Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự)

Chùa Mạch Tràng được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m2.

Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảotiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang…

Chùa Mạch Tràng được xây dựng thời Hậu Lê Thành Cổ Loa
Chùa Mạch Tràng
Gác chuông của Chùa Mạch Tràng

Đình Mạch Tràng

Đình Mạch Tràng là tên thường gọi ngôi đình theo địa danh thôn Thôn Mạch Tràng. Thôn nằm ngoài vòng thành ngoại về phía Tây Nam, là một thôn lớn nhất trong các thôn xóm của xã Cổ Loa.

Đình Mạch Tràng thành Cổ Loa

Ngôi đình làng được xây dựng trên một khu vực cao ráo, rộng khoảng 3.000m2. Đình nằm ở địa đầu phía Tây thôn Mạch Tràng, trước mặt là trục đường làng theo hướng tây bắc – đông nam.

Trước đình có giếng ngọc, xa xa là cánh đồng rộng ven sông Hoàng.

Điếm Xóm Chợ

Điếm Xóm Chợ nằm phía Đông Nam thành Cổ Loa. Đây là nơi thờ cúng quan linh, thổ cung, thổ địa và thủy thần.

Điếm Xóm Chợ có một giếng cổ miệng tròn và một cây đa cổ thụ to lớn trước sân.

Điếm là nơi hội họp, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật của cư dân trong xóm. Đây là nơi được các du khách ưa thích ghé thăm.

Điếm xóm chợ, nơi giao lưu văn hóa ở thành ngoại thành cổ loa
Điếm xóm chợ

Khu trưng bày hiện vật, di vật khảo cổ

Trong thành Cổ Loa có một khu vực được xây dựng hiện đại trưng bày các hiện vật, di vật cổ giá trị đã được khai quật trong di tích. Các bạn còn có thể chiêm ngưỡng bản đồ tòa thành cổ và nhiều hiện vật niên đại hàng ngàn năm: mũi tên đồng Cổ Loa, lẫy nỏ Cổ Loa, nỏ thần Liên Châu, trống đồng Cổ Loa, lưỡi giáo, rìu đồng, bộ sưu tập lưỡi cày đồng, bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa.

Nhà trưng bày thành Cổ Loa
Nhà trưng bày thành Cổ Loa

Chiêm ngưỡng nhiều di vật, hiện vật giá trị tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa (Ảnh: thanhcoloa.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Comment moderation is enabled. Your comment may take some time to appear.

facebook
twitter