Ông Long từng được trao tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Hồi năm 1986, ông Long dùng 20 cây vàng để xây nhà. 20 cây vàng thời đó có thể mua 20 căn nhà ở thành thị. Thời đó nông dây miền Tây thóc lúa đầy bồ. Trồng 2 vụ, rồi lại trồng 3 vụ, trúng lớn. Trồng càng nhiều thì càng nhiều tiền. Đến nay, giá lúa lại tăng cao, giống gạo ST25 ngắn ngày nhưng lại bán được với giá cao ngang giá gạo thơm của Thái Lan trồng 1 vụ/năm. Những tưởng thế là người nông dân trồng lúa cơm no, áo ấm. Nhưng không! Người nông dân miền Tây đang đổ nợ trên mảnh ruộng của mình.
Họ không thể sống đủ ăn trên mảnh ruộng mà còn đang thành con nợ. Làm không công, còn gánh thêm nợ nần. Điều gì đã biến những người nông dân ấm no giàu có trở lại thành người nghèo nợ nần như vậy?
Xem thêm bài Sikkim áp dụng 100% nông nghiệp hữu cơ
Thời kỳ Việt Nam phải nhập gạo để ăn
Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam ta phải đối mặt vấn đề an ninh lương thực. Do bước vào thời bình nên dân số tăng nhanh. Việt Nam liên tục trải qua các lần bùng nổ dân số. Nông dân trồng lúa thì chưa khôi phục lại việc trồng trọt vụ mùa.
Thời kỳ này Việt Nam phải nhập khẩu gạo để ăn. Nhà nhà phải ăn cơm độn thêm khoai, sắn, đậu. Năm 1980, sản lượng lương thực gia tăng đạt 21 triệu tấn. Nhưng vẫn phải nhập khẩu nhiều nhất trong lịch sử 1,57 triệu tấn. Sản lượng lúa bình quân đầu người tụt giảm từ 221kg năm 1976 xuống còn 157kg năm 1980.
Nông dân miền Tây tăng diện tích trồng lúa
Để tháo gỡ vấn đề lương thực cho toàn dân, Chính phủ và toàn dân Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng. Nhiều sáng kiến trồng cây lương thực ngắn ngày được đưa ra. Toàn dân tập trung vào việc trồng các cây ngắn ngày như khoai, sắn, đậu. Ngay cả ở thành thị cũng tận dụng những mảnh vườn, mảnh đất trồng để trồng trọt.
Ở miền Tây, vùng Đồng Tháp Mười lúc đó là vùng đầm lầy bỏ hoang bạt ngàn lau sậy. Diện tích gần 700.000 ha, chiếm 17% diện tích Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhưng đất 70% nhiễm phèn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo ba tỉnh Long An – Đồng Tháp – Tiền Giang họp bàn tìm cách khai phá vùng đất này.
Đơn vị làm Thủy Điện Trị An đã được thuê để nạo vét các tuyến kênh ngang dọc nhằm rửa phèn cho vùng đất. Quan trọng nhất là các kênh Nguyễn Văn Tiếp, Phước Xuyên, kênh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng( kênh Trung Ương).
Người nông dân thì đào các tuyến nội đồng, dẫn nước từ kênh vào đồng ruộng. Như vậy nông dân miền Tây đã gia tăng được diện tích trồng lúa rất lớn. Vùng đất chết nhiễm phèn nay đã trở thành các cánh đồng lúa mênh mông.
Nông dân miền Tây tăng năng suất vụ mùa
Nhưng còn một nhược điểm khá lớn là giống lúa cũ có năng suất rất thấp. Một năm chỉ trồng 1 vụ. Gieo sạ tháng 4 âm lịch và gặt vào tháng 2 năm sau. Sản lượng chỉ được 3-4 bao/1 công. Tức là 1,7 – 2,5 tấn /1 ha.
Lúc này Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI gởi cho Việt Nam giống lúa Thần Nông IR. Đây là giống lúa ngắn ngày, chỉ trồng ba tháng, năng suất cao.
Nông dân trồng lúa dần đổi sang giống lúa Thần Nông IR khi thấy được lợi ích kinh tế to lớn. Sản lượng tăng lên đến 20-25 bao/ 1 công.
Nông dân miền Tây bây giờ đã có thể trồng 2 vụ lúa trong năm. ĐBSCL có mùa nước nổi là khi phù sa từ sông Mekong tràn về. Để vụ hai có thể thu hoạch lúa trước khi nước tràn về, các hệ thống đê bao khép kín được xây dựng lên, các máy bơm được sử dụng để tháo nước khỏi ruộng.
Sau đó lại nâng lên làm vụ ba, dù vụ ba có năng suất thấp hơn nhiều.
Sự giàu có của nông dân trồng lúa
Từ khi có giống lúa Thần Nông ngắn ngày, người nông dân càng trồng càng trúng, càng giàu có. Rồi khi làm vụ hai, vụ ba. Rồi thay vì gặt tay nay có máy móc cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp. Người nông dân miền Tây cuộc sống ngày càng thịnh vượng. Gia đình Ông Long năm nào cũng phải nới bồ lúa, lúa chất tận nóc nhà.
Đồng Tháp Mười trở thành vựa lúa. ĐBSCL trở thành kho lương thực của Việt Nam và cả thế giới. Năm 1986, lần đầu tiên Việt nam xuất khẩu lúa gạo. Giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới. Nước đứng đầu trong giá trị xuất khẩu gạo là Thái lan.
Hi vọng từ giống lúa ST25 nổi tiếng
Khi giống lúa ST25 ngắn ngày của Việt Nam ra đời vào năm 2014, sự giàu có của người nông dân có vẻ càng thêm vững chắc.
Trước đây, gạo ngắn ngày VN được mua giá thấp bởi không ngon, không thơm, kém chất lượng. Gạo thơm trồng một vụ của Thái Lan được mua với giá cao nhất. Nay gạo ST25 được mua với giá ngang bằng, thậm chí cao hơn gạo Thái Lan.
Loại gạo loại 1 như Gạo Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh chỉ trồng 1 vụ. Năng suất thấp chỉ 4 tấn/1ha. Trong khi gạo Việt Nam có năng suất 10 tấn/1ha.
Như vậy gạo của người nông dân trồng lúa Việt Nam vừa có năng suất, vừa có giá. Đây là đỉnh cao của thịnh vượng rồi.
Thực tế nghiệt ngã của người nông dân miền Tây
Nhưng thực tế thì nghiệt ngã trái ngược với người nông dân miền Tây. Người nông dân trồng lúa đang từ cuộc sống thịnh vượng chuyển sang cuộc sống đói nghèo, nô lệ trên mảnh ruộng của mình.
Theo Viện Nghiên Cứu phát triển ĐBSCL, năm 2012, thu nhập trồng lúa đạt 108 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 66 triệu đồng. Năm 2023, thu nhập trồng lúa đạt 128 triệu/ha, lợi nhuận còn 59 triệu đồng.
Đó là báo cáo của Viện Nghiên Cứu ĐBSCL, thực tế thì thấp hơn nhiều. Như vợ chồng ông Chín có hơn 2 ha đất. Năm thuận lợi thì họ lãi nhiều nhất 60 triệu đồng. Còn các năm sâu bệnh, mất mùa là thua lỗ, nợ nần công ty cấp giống, phân bón, thuốc và ngân hàng.
Hơn phân nữa số tiền dùng trả phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí thu hoạch. Năng suất thì tụt giảm. Rầy thì cháy tới nóc.
Tiền bán lúa cầm chưa nóng tay đã bay hết.
2ha đất làm lúa, xài gói ghém chỉ đủ ăn, đừng mơ chuyện giàu có.
bà Ngà vợ ông Chín
Tại sao nông dân miền Tây lại nghèo trên mảnh ruộng
Từ sự thịnh vượng giàu có lại rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, đói kém trên mảnh đất của mình. Sự nghịch lý này dĩ nhiên có đầy đủ nguyên nhân của nó. Những người nông dân phần lớn chất phát. Họ chỉ dựa vào sự cần mẫn, chăm chỉ để kiếm ăn. Nhưng có những vấn đề lớn hơn có thể quyết định sự thành bại của họ chứ không phải sự cần mẫn chăm chỉ.
Cái chết của dòng sông Mekong và vựa lúa của miền Nam
Sự thịnh vượng của người nông dân miền Tây đến từ đất mẹ từ con sông Mekong.
Sông Mekong đem lại phù sa bồi đắp cho ĐBSCL. Người nông dân ngày đó mong chờ mùa nước nổi. Đó là ngày phù sa tràn về, tôm cá bơi nhảy.
Nhưng từ ngày các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia xây dựng các con đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong thì cuộc sống của hàng triệu dân theo con sông này bị ảnh hưởng. Trong đó có nông dân miền Tây. Nông dân miền Tây phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn và sụt giảm sản lượng thủy sản.
Trung Quốc đã xây dựng 5 đập công suất lớn trên sông Mekong. Lào thì có 4 con đập với công suất nhỏ hơn.
Một số dự báo cho rằng, vựa lúa miền Nam Việt Nam sẽ sớm biến mất khi tình trạng ngập mặn ở miền Tây ngàng càng trở nên nghiêm trọng. Các năm gần đây, đến mùa khô, bà con miền Tây phải đi mua từng can nước ngọt. Nhiều vườn cây ăn trái cũng chết khô vì hạn hán và nhiễm mặn.
Mô hình nông nghiệp công nghiệp độc hại
Sự nghèo đói hiện nay của nông dân miền Tây còn đến bởi sự chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp công nghiệp độc hại.
Ngày xưa, người nông dân miền Tây sống nhờ phù sa sông Mekong. Họ canh tác theo lối tự nhiên truyền thống của ông cha. Không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu. Do chỉ canh tác 1 vụ, nên đất đai có thời gian nghỉ ngơi. Hạt gạo trồng ra cũng có chất lượng cao, bổ dưỡng hơn nhiều so với hạt gạo bây giờ.
Nhưng từ khi họ tăng vụ mùa từ 1 vụ lên 3 vụ. Đất đai được khai thác quanh năm và không hề được nghỉ ngơi. Để bù lại dinh dưỡng cho đất, họ được giới thiệu dùng phần bón hóa học. Loại phân này đúng là có thể đem lại dinh dưỡng nhất định cho cây, nhưng nó phá hủy đất đai. Phân hóa học làm chai đất, đất chết dần.
Khi đất bệnh, cây lúa sẽ sinh bệnh. Như lời ông Chín “ngày nay Rầy tới nóc”. Nông dân miền Tây lại được giới thiệu thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu làm nhiễm độc đất đai, nguồn nước. Vụ mùa năm sau chắc chắn cây sẽ yếu hơn, dễ bệnh hơn, năng suất thấp hơn.
Mô hình tư bản của các doanh nghiệp lúa gạo
Người nông dân miền Tây lún dần vào mô hình nông nghiệp công nghiệp độc hại lúc nào không hay biết. Bây giờ, họ phát sinh thêm chi phí rất lớn cho phân hóa học, thuốc trừ sâu. Hơn nữa, sức khỏe họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại.
Còn một cái bẫy khác đang chờ họ, đó là mô hình bóc lột khá phổ biến ở một số nước. Mô hình này sẽ biến người nông dân thành nô lệ trên chính mảnh ruộng của họ.
Các doanh nghiệp lúa gạo sẽ cung cấp giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân nhưng không thu tiền. Đến ngày thu hoạch, thì sẽ lấy lúa ra trừ lại tiền giống, phân, thuốc. Tiền giống, phân, thuốc có thể có lãi suất đến 40%/năm. Nếu nông dân được mùa thì thôi, nếu mất mùa thì sẽ thành con nợ mãi mãi.
Nhiều nông dân cụt vốn phải theo mô hình này, rồi cắm sổ ngân hàng, rồi phải bán đất trừ nợ.