Home » Sức khỏe » Thuyết minh về cây tre
cây tre có lợi ích gì?

Cây tre là quốc hồn của dân tộc Việt Nam và luôn xuất hiện trong lịch sử dựng nước, giữ nước Việt Nam. Trong các tác phẩm văn học, câu truyện dân gian chúng ta cũng dễ bắt gặp hình ảnh của khóm tre. Ngày nay tốc độ đô thị đẩy mạnh, khiến nhiều người dân xa rời cuộc sống thôn bản với từng bụi tre, khóm trúc rì rào trong gió. Dù vậy, Nó vẫn ở đó, và chờ đợi chúng ta, bởi các lợi ích tuyệt vời của nó. Chúng ta sẽ thuyết minh về cây tre. Xem xét lợi ích của cây tre và các đặc điểm sinh trưởng của nó.

Nội dung:

Cây tre là gì?

Cây tre thuộc nhóm thực vật thân xanh, sống nhiều năm. Rễ là loại rễ chùm. Thân rỗng, phân thành nhiều đốt, mỗi đốt tre tầm 25cm, trên thân lại có các mấu mắt.

Thuộc Tông tre, tên khoa học Bambuseae

Bộ: Hòa Thảo

Phân họ: tre

Cây tre có hơn 1.000 loài, là loại có nhiều loài nhất trong Bộ Hòa Thảo.

Cây già thông thường có thể cao đến 5m. Sau 4 – 5 năm, cây có thể đạt đến độ cao trưởng thành. Độ cao này chỉ là tương đối tùy loài. Có loại cao đến 20 m

Cây tre là loại cây dễ sống trong các loại điều kiện khác nhau. Mọc thành các quần thể, thậm chí là rừng, đôi khi lại rất khó diệt.

Đặc điểm thân cây tre

Một đặc điểm thú vị khiến cây tre có sức sống mãnh liệt là thân ngầm. Đôi lúc điều này lại khiến người trồng gặp phiền phức, nếu có ý định thay tre bằng một loại cây khác. Loại thân ngầm này mọc ẩn sâu dưới mặt đất khoảng 30 – 40 cm. Nó sẽ mọc rễ và đâm các nhánh măng lên. Măng sau khi trưởng thành sẽ thành thân tre.

Thân ngầm có thể mọc cụm, hoặc mọc tảng.

Các loài tre có thân ngầm mọc cụm như tre gai, lồ ô, hóp sào. Thân tre có dạng hợp trục, gồm cổ thân ngầm và thân.

Rất nhiều loài tre lại có thân mọc tản. Những loài này có thân ngầm bò lan tràn trong đất. Chúng lan tới đâu, tre mọc tới đó. Bởi vậy măng hay thân cây tre không mọc cụm lại thành bụi như loài cây tre gai, mà mọc phân bổ tản thưa ra khắp nơi.

Mỗi thân tre mọc lên được gọi là thân khí sinh, bao gồm gốc thân và thân. Độ cao của thân tùy vào độ tuổi và loài. Có loài độ cao có thể đến 20m.

Thân tre có thể dùng để lấy trúc lịch, hoặc trúc nhự dùng để chữa bệnh. Ngày xưa, thân cây tre còn được dùng làm vũ khí. Ngày nay thân tre vẫn còn nhiều ứng dụng, như làm cán cuốc, rỗ rá, hay dùng trong xây dựng.

Đặc điểm lá cây tre

Lá tre còn được gọi là trúc diệp, cũng là một loại vị thuốc quan trọng. Nếu bạn có vấn đề về thận, tiểu tiện ra máu hoặc bị sốt, nóng, bị nhiệt trong miệng bạn có thể dùng tới lá để hóa giải.

Lá tre có một số đặc điểm dễ nhận như dài hẹp, sắc bén dễ gây đứt tay, xước da. Cụ thể là các đặc điểm sau:

  • Lá không có lông tơ.
  • Lá có 2 phần cơ bản là Bẹ lá, phiến lá. Bẹ lá dài, hình lòng máng. Cuống lá thường ngắn vài mm, nối giữa bẹ lá và phiến lá vào cành. Ngoài ra còn có tai lá, lưỡi lá.
  • Phiến lá thường có 3 -5 đôi gân lá song song.

Rễ cây tre

Rễ cây tre hay còn gọi là gốc tre, chúng mọc ra từ thân ngầm. Chiều dài của chúng có thể khoảng 70cm. Khi một cây măng hình thành thì sẽ sinh trưởng rễ. Tốc độ và khả năng sinh trưởng của rễ phụ thuộc vào dinh dưỡng của đất, cũng như độ trưởng thành của thân khí sinh.

Thường thân khí sinh, tức là thân cây tre, đạt đến 4-5 tuổi là đã qua giai đoạn phát triển mạnh nhất. Khi thân hơn 6 tuổi thì số lượng rễ hay lông hút cũng giảm.

Thường người trồng tre sẽ thu hoạch thân khi thân khí sinh được hơn 1 tuổi đến 5 tuổi tùy vào loài.

Bẹ tre – mo nang

Bẹ tre còn được gọi là mo nang. Bẹ tre là lớp vỏ bọc bên ngoài măng, hay nó còn được gọi là yếm của măng. Khi măng lớn thành cây thì lớp vỏ yếm bẹ tre này khô lại và dần dần bong ra.

Tác dụng của bẹ chủ yếu là dùng để nhóm lửa, làm quạt chứ không tác dụng gì khác.

Bẹ tre (mo nang) có hình thanh, đầu hình cung. Mép bẹ có lông, mặt lưng phủ gai dày màu nâu tối. Mặt trong bẹ nhẵn trơn.

mo nang cây tre

Hoa tre

Hoa tre là một hiện tượng hiếm lạ. Tại sao nói vậy? Bởi vì trong vòng đời sống của mình, cây tre không ra hoa lúc trưởng thành, hay lúc già đi. Thời điểm cây ra hoa là thời điểm cuối của sinh mệnh. Sau khi ra hoa, kết trái, cây sẽ chết đi. Mà quá trình ra hoa này xảy ra có thể lúc cây đã 60 tuổi đến 100 tuổi.

Bởi vậy mới nói hoa tre là một hiện tượng hiếm lạ và bạn rất khó gặp được. Tuy nhiên bạn có thể xem hình ảnh dưới đây để biết nó trông như thế nào.

hoa cây tre

Hoa tre có màu vàng như cát, nhị hoa mang bao phấn màu vàng tươi. Mùi hương thì hơi nồng.

Sau khi tàn, hoa sẽ hình thành quả. Hãy tưởng tượng bạn ở một rừng tre. Và tất cả cây tre bỗng đồng loạt ra hoa, đồng loạt kết quả. Các hạt tre sau đó phân tán khắp nơi, cây thì chết đi. Sâu bọ gặm nhắm bắt đầu tăng số lượng … Đó là vấn đề của bài sau, các bạn có thể tìm hiểu thêm về hiện tượng hoa tre, một hiện tượng gọi là “Khuy”, được xem là điềm không may mắn.

Cây tre có bao nhiêu loài?

Cây tre là loại cây có nhiều loài nhất trong Bộ Hòa Thảo. Hơn 1.000 loài. Chia thành 9 phân tông và 91 chi.

Riêng cây tre gai thì có 55 loài. 31 loài thì chưa đặt tên. 21 loài chi luồng Dendrocalamus. 16 loài chi le – Gigantochloa. 11 loài chi vầu – Indosasa.

Việt Nam ta là một trong những nước có nhiều tre nhất thế giới. Tính theo diện tính thì xếp hàng thứ tư. Năm 2000, hơn 70 loài tre được tìm thấy ở Việt Nam. Năm 2005 thì đã phát hiện đến 190 loài của 26 chi. Đa số các loài này đều chưa được đặt tên.

Ý nghĩa của cây tre

Có lẻ chúng ta trong lòng đều có hình ảnh cây tre qua câu chuyện cậu bé Thánh Gióng nhổ bụi tre thay vũ khí chống quân xâm lược. Những người sống ở thôn quên, làng bản dù đi đâu, tha phương nơi nào vẫn sẽ nhớ về hình ảnh bụi tre đầu làng. Nghe tiếng gió xào xạo mỗi trưa hè. Những mái nhà tranh trước kia và cả hiện nay đa phần dùng tre để xây dựng. Những cái rỗ, cái rá các bà cô cặp bên hông khi đi chợ, hay đựng phơi rau, củ. Cây tre thật sự là một phần linh hồn của con dân Việt Nam.

Trong phong thủy, cây tre tượng trưng cho sự may mắn, vững chắc bền tính bền bỉ, sức sống dẻo dai. Nhiều nhà trồng tre trước nhà, hoặc trong các chậu để trong nhà để đem lại điềm may mắn.

Lợi ích của cây tre đối với đời sống con người

Lợi ích của cây tre như tư liệu sản xuất, giữ đất

Cây tre có vai trò quan trọng trong lịch sử đời sống con người Việt Nam. Lợi ích của cây tre đến từ đặc điểm thân tre cứng cáp, nên được sử dụng như một loại công cụ lao động cán cuốc, cán xẻn, gậy gộc. Hoặc được dùng để làm các vật dụng nội thất ở bên trong nhà như ghế, bàn, tủ kệ…

Sức sống cây tre mãnh liệt, có thể chịu được các điều kiện sống khác nhau. Rễ có rễ ngầm, mọc lan tỏa trong đất. Nên tre, đặc biệt giống tre gai mạnh mẽ, được trồng thành bụi ở các bờ sông, bờ suối để chống xói mòn sạt lở.

Thân tre có thể thu hoạch sau 1 năm đến 5 năm. Loại tre gai có thân rất cứng, nặng, độ cao có thể đạt đến 20m. Đường kính thân có thể đến 14-15cm. Trọng lượng mỗi thân tre trung bình 35kg. Thậm chí có thể lên đến 70kg. Nên thân tre gai được sử dụng để làm cọc gia cố móng cho nhà cửa, hay gia cố bờ kè, cầu cống quy mô vừa và nhỏ.

Lợi ích của cây tre như thực phẩm, thuốc

Lợi ích của cây tre còn là thực phẩm và thuốc trị bệnh cho con người.

Một số loài có năng suất cho măng rất cao như Tre tứ quý chẳng hạn. Loài tre tứ quý có thể cho 6-10 măng/1 bụi/1 tháng. Tuy nhiên, nếu nói măng nào ăn ngon nhất thì vẫn là măng tre gai. Loại măng này ăn trước đắng, sau lại ngọt.

Một lợi ích còn lại của cây tre mà hầu như đa số mọi người đều bất ngờ. Cây tre chính là một loại vị thuốc trong Đông Y. Nó có thể trị các vấn đề bệnh lý như loét, khô miệng. Bệnh viêm phù thận, đái ra máu. Viêm hô hấp, hàn lạnh, đờm v.v. Chảy máu cam.

Bắt nồi nước, bỏ các lát tre được cắt nhỏ vào thế là ta đã có được trúc lịch để uống rồi. Chúng ta có thể lấy trúc nhự, trúc liêu giao từ tre để sử dụng chữa bệnh.

Trữ lượng tre tại Việt Nam

Năm 1999 diện tích cây tre Việt Nam khoảng 1.489.068 ha. Hiện nay diện tích cây tre có mở rộng thêm một ít là 1.592.205 ha.

Trữ lượng khai thác tre hàng năm khoảng 2,5 – 3 triệu tấn. Xuất khẩu từ tre từ 300 – 400 triệu USD/ năm, tập trung ở các thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Tre ở Việt Nam rất phong phú, nhiều chủng loài như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai ….

Điều đáng nói ở đây là tuy Việt Nam là nước có trữ lượng tre hàng thứ 4 trên thế giới, xếp hạng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu tre. Nhưng giá trị kinh tế từ xuất khẩu đem lại rất thấp, chỉ có 3% tổng giá trị thương mại tre toàn cầu. Điều đó nghĩa là Việt Nam hầu như chỉ xuất thô dạng nguyên liệu với giá rẻ mạt. Điều này đem lại thiệt thòi lớn cho những người trồng tre nói riêng và ngành tre nói chung. Đứng đầu thế giới về tổng giá trị xuất khẩu tre là Trung Quốc, chiếm 67% giá trị thương mại toàn cầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Comment moderation is enabled. Your comment may take some time to appear.

facebook
twitter